Hiện nay, Nghị định 80 của Chính phủ về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn chỉ cho phép dự án điện gió, mặt trời công suất trên 10 MW được tham gia.
Bộ Công Thương đề xuất điện sinh khối được tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp
Tuy nhiên, tại dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Điện lực (sửa đổi) về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) gửi Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Công Thương đề xuất đơn vị phát điện năng lượng tái tạo từ sinh khối tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp với công suất từ 10 MW trở lên được đấu nối vào hệ thống điện quốc gia trực tiếp tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Theo cơ quan soạn thảo, việc bổ sung đơn vị phát điện năng lượng tái tạo từ sinh khối tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp không chỉ giúp thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng tái tạo mà còn mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường và xã hội.
Hơn nữa, điện sinh khối là nguồn năng lượng tái tạo dồi dào, có thể sản xuất từ các chất thải hữu cơ như cây trồng, chất thải nông nghiệp.
"Bổ sung điện sinh khối vào cơ chế mua bán điện trực tiếp giúp tận dụng nguồn tài nguyên này, góp phần đa dạng hóa nguồn năng lượng tái tạo hướng tới mở rộng đối tượng tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp theo từng thời kỳ" – Bộ Công Thương cho biết.
Đối với loại hình này, Cục Điều tiết điện lực đã rà soát, hiện đã có 9 nhà máy điện sinh khối trên 10 MW đang hoạt động phát điện với tổng công suất 332 MW, đồng thời dự kiến tới năm 2030 sẽ có 14 nhà máy điện sinh khối được đưa vào vận hành với tổng công suất dự kiến là 300 MW.
Đặc điểm kỹ thuật của nhà máy điện sinh khối là tính ổn định; khả năng lưới điện tốt và hạ tầng và kỹ thuật đo đếm được lắp đặt đầy đủ.
Đáng chú ý, cơ quan soạn thảo cho rằng việc sử dụng điện sinh khối sẽ giảm thiểu chất thải nông nghiệp và sinh hoạt, đồng thời giảm phát thải nhà kính. Đây là một phần trong chiến lược giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sống…
Như vậy, Bộ Công Thương vẫn không đề xuất thêm điện khí LNG tham gia vào cơ chế mua bán điện trực tiếp, mặc dù trước đó các nhà máy điện khí LNG muốn được bán điện trực tiếp tới người tiêu dùng lớn là các nhà máy, khu công nghiệp.
Điện sinh khối (Biomass power hay biomass electricity) là một dạng năng lượng tái tạo được sản xuất bằng cách sử dụng nguồn tài nguyên sinh khối là các cây trồng, cây cỏ, rừng, rác thải hữu cơ và các tài nguyên khác để tạo ra điện năng.
Trên quy mô toàn cầu, sinh khối là nguồn năng lượng lớn thứ tư, chiếm khoảng 14 - 15% tổng năng lượng tiêu thụ của thế giới. Mỹ là nước sản xuất điện sinh khối lớn nhất thế giới, với hơn 350 nhà máy điện sinh học, sản xuất trên 7.500 MW điện mỗi năm.
Việt Nam là nước có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng sinh khối từ chất thải từ nông nghiệp, rác, nước thải đô thị… phân bổ rộng khắp trên toàn quốc, trong đó, một số dạng sinh khối có thể sản xuất điện hoặc áp dụng công nghệ đồng phát năng lượng (sản xuất cả điện và nhiệt). Lượng sinh khối khổng lồ này, nếu không được xử lý sẽ là nguồn ô nhiễm lớn và phát sinh liên tục, gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái (đất, nước và không khí) cũng như sức khỏe con người.
Hằng năm, tại Việt Nam có gần 60 triệu tấn sinh khối từ phế phẩm nông nghiệp trong đó 40% được sử dụng đáp ứng nhu cầu năng lượng cho hộ gia đình và sản xuất điện. Theo số liệu tính toán, cứ 5 kg trấu tạo ra 1 kWh điện, như vậy với lượng trấu hàng triệu tấn, mỗi năm Việt Nam có thể thu được hàng trăm MW điện. Phế phẩm nông nghiệp rất dồi dào ở vùng ĐBSCL, chiếm khoảng 50% tổng sản lượng phế phẩm nông nghiệp toàn quốc và vùng Đồng bằng sông Hồng với 15% tổng sản lượng toàn quốc.
Lê Thúy