Đề xuất điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân từ quảng cáo số và cung cấp phần mềm

Đề xuất điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân từ quảng cáo số và cung cấp phần mềm
2 giờ trướcBài gốc
Nhiều ý kiến cho rằng thuế suất áp dụng đối với một số hoạt động, hình thức kinh doanh mới còn khá thấp.
Theo Bộ Tài chính, cùng với sự phát triển của nền kinh tế và tăng cường hội nhập quốc tế, các khoản thu nhập của cá nhân ngày càng đa dạng, phức tạp, các hình thức kinh doanh mới liên tục xuất hiện tạo ra nhiều nguồn thu nhập cho cá nhân mà quy định hiện hành chưa bao quát được hết.
Các hình thức kinh doanh mới có thể đem lại thu nhập đáng kể, có thể kể đến như: các hình thức giao dịch thương mại điện tử, đầu tư, kinh doanh các ngành nghề dựa trên nền tảng kỹ thuật số; hoạt động cung cấp sản phẩm và dịch vụ phần mềm; sản phẩm và dịch vụ nội dung thông tin số về giải trí, trò chơi điện tử, phim số, ảnh số, nhạc số, quảng cáo số…
Theo Bộ Tài chính, trong quá trình thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, có ý kiến cho rằng tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân trên doanh thu cần được tính toán, điều chỉnh lại cho phù hợp với đặc điểm của một số loại thu nhập, hoạt động kinh doanh đặc thù như: hoạt động cung cấp sản phẩm và dịch vụ phần mềm; sản phẩm và dịch vụ nội dung thông tin số về giải trí, trò chơi điện tử, phim số, ảnh số, nhạc số, quảng cáo số.
Hiện có không ít cá nhân có thu nhập lớn từ các hoạt động kinh doanh, quảng cáo, phát triển game, phần mềm trên các nền tảng số như: Google, Facebook, Youtube.
Đơn cử, Cục Thuế TP. Hà Nội từng ghi nhận một cá nhân sinh năm 1992 có hộ khẩu quận Cầu Giấy có thu nhập lên tới 330 tỷ đồng từ việc sáng tác phần mềm trên các kho ứng dụng trực tuyến. Số thuế cá nhân này đã nộp cho phần thu nhập trên là 23,4 tỷ đồng, gồm 5% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân.
Tuy nhiên, nếu tính theo biểu thuế thu nhập cá nhân với 7 bậc hiện nay, số tiền thuế cá nhân này phải nộp khoảng trên 115 tỷ đồng, lớn hơn nhiều lần so với số thuế đã nộp.
"Hiện thu nhập của cá nhân từ các hoạt động này đang chịu sự điều tiết như một số khoản thu nhập khác, trong khi đây là những khoản thu nhập có tính chất đặc thù nên cần có mức thuế suất phù hợp để đảm bảo sự bình đẳng giữa các đối tượng nộp thuế, sự thống nhất của hệ thống chính sách thuế, đảm bảo phát huy được vai trò điều tiết, phân phối lại của chính sách thuế thu nhập cá nhân trong hệ thống thuế", Bộ Tài chính lưu ý.
Mức thuế suất cụ thể cần được nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng, đảm bảo phát huy một cách có hiệu quả vai trò của chính sách thuế thu nhập cá nhân trong hệ thống thuế, thực hiện điều tiết hợp lý thu nhập của cá nhân trong nền kinh tế.
Theo quy định hiện hành tại Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật thuế và các văn bản hướng dẫn về thuế có hiệu lực thi hành từ 1/1/2015, đối với hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm nộp thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ ấn định trên doanh thu theo từng ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, thuế suất thuế thu nhập cá nhân với hoạt động phân phối, cung cấp hàng hóa là 0,5%. Dịch vụ; xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu có thuế suất 2%; riêng hoạt động cho thuê tài sản, đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số, đại lý bán hàng đa cấp: 5%. Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 1,5%; hoạt động kinh doanh khác: 1%.
Quy định thu thuế thu nhập cá nhân hiện tính tỷ lệ trên doanh thu, không tính trừ chi phí và các khoản giảm trừ, quy định này đảm bảo chính sách đơn giản, rõ ràng, minh bạch, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế, tính tuân thủ pháp luật thuế của các hộ, cá nhân kinh doanh, tiết kiệm chi phí tuân thủ thuế cho người nộp thuế và cơ quan thuế.
"Mặc dù quy định thu thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ trên doanh thu, không tính trừ chi phí và các khoản giảm trừ, tuy nhiên mức tỷ lệ được xây dựng đã tính toán phù hợp hoạt động kinh doanh của cá nhân tương ứng với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh và thấp hơn tỷ lệ trên doanh thu hiện đang áp dụng đối với doanh nghiệp không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh", Bộ Tài chính nêu rõ.
Trong quá trình triển khai luật, cũng có ý kiến cho rằng mức 100 triệu đồng/năm để xác định cá nhân không thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân là không phù hợp, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo tỷ lệ trên doanh thu không được giảm trừ gia cảnh.
Trong khi đó, từ kỳ tính thuế năm 2020, mức giảm trừ áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm) đối với bản thân người nộp thuế, 4,4 triệu đồng/tháng đối với mỗi người phụ thuộc.
Để phù hợp với sự biến động của giá cả, thống nhất với ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng của cá nhân kinh doanh tại dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã nhất trí nâng mức doanh thu chịu thuế đối với thu nhập từ kinh doanh từ 200 triệu đồng/năm trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế.
Vì vậy, quy định này cũng cần được cập nhật để bổ sung tại Luật Thuế thu nhập cá nhân đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật trên cơ sở kế thừa đầy đủ quy định tại Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Ánh Tuyết
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/de-xuat-dieu-chinh-thue-thu-nhap-ca-nhan-tu-quang-cao-so-va-cung-cap-phan-mem.htm