Đề xuất điều kiện chuyển án tử hình thành chung thân

Đề xuất điều kiện chuyển án tử hình thành chung thân
9 giờ trướcBài gốc
Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, TAND Tối cao đang dự thảo Thông tư liên tịch quy định về chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân và xem xét bản án tử hình trước khi thi hành.
Nhiều đối tượng được chuyển hình phạt
Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ luật Hình sự (BLHS) vừa được sửa đổi với nhiều điểm mới như: bỏ hình phạt tử hình đối với 08 tội danh, bổ sung việc không thi hành án tử hình đối với trường hợp “người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối”, đặc biệt việc tách khung hình phạt “20 năm, chung thân hoặc tử hình” thành 2 khung hình phạt “20 năm hoặc chung thân” và “chung thân hoặc tử hình” tại Điều 248 và Điều 251 của BLHS.
“Điều này dẫn tới nhiều đối tượng được chuyển từ hình phạt tử hình thành tù chung thân”, theo dự thảo tờ trình nêu.
Ngày 25-6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự. Ảnh: QH
Bên cạnh đó, Quốc hội đã giao Chánh án TAND Tối cao chủ trì, phối hợp với Viện trưởng VKSND Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết về thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành, tại Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự 2025.
Do đó, việc ban hành Thông tư liên tịch quy định về chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân và xem xét bản án tử hình trước khi thi hành là cần thiết.
Vì vậy, dự thảo đã có quy định về các trường hợp được chuyển sang hình phạt chung thân và trình tự, thủ tục chuyển từ hình phạt tử hình thành tù chung thân. Đồng thời có các quy định xem xét bản án tử hình theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; gửi đơn xin ân giảm; trình tự, thủ tục Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao trình Chủ tịch nước về việc xét đơn xin ân giảm và xét đơn xin ân giảm của Chủ tịch nước.
Quy định về điều kiện chuyển án tử hình thành chung thân
Đối với tội phạm quy định tại điều Điều 248 (Tội sản xuất trái phép chất ma túy) và Điều 251 (Tội mua bán trái phép chất ma túy), Luật sửa đổi, bổ sung BLHS 2025 quy định hình phạt tử hình đã tuyên trước ngày 1-7-2025 đối với hai tội trên mà chưa thi hành án thì không thi hành và Chánh án TAND Tối cao quyết định chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân đối với hai trường hợp.
Thứ nhất, khối lượng, thể tích chất ma túy được xác định trong bản án để quyết định hình phạt bằng hoặc thấp hơn khối lượng, thể tích chất ma túy thấp nhất quy định tại khoản 5 Điều 248 hoặc khoản 5 Điều 251 của BLHS.
Để áp dụng điều khoản này, dự thảo Thông tư liên tịch đã quy định rõ mức khối lượng, thể tích chất ma túy.
Thứ hai là trường hợp khối lượng, thể tích chất ma túy được xác định trong bản án để quyết định hình phạt lớn hơn khối lượng, thể tích chất ma túy thấp nhất quy định tại khoản 5 Điều 248 hoặc khoản 5 Điều 251 của Bộ luật Hình sự (đã sửa đổi, bổ sung năm 2025) mà người phạm tội không phải là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy hoặc không có 2 tình tiết tăng nặng trở lên.
Đối với quy định này, tại dự thảo tờ trình về việc ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn, TAND Tối cao cho biết hiện đang có hai quan điểm.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, điều luật chỉ quy định chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân đối với người phạm tội có 02 tình tiết tăng nặng trở lên mà không quy định cụ thể về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với họ.
Do vậy, cần bổ sung quy định “Trường hợp có 2 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 04 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 3 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự” tại dự thảo Thông tư liên tịch để bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất.
Trong khi đó, quan điểm thứ hai cho rằng, việc dự thảo Thông tư liên tịch quy định thêm về tình tiết giảm nhẹ là vượt quá phạm vi quy định của Luật.
Trao đổi với PLO, Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh, nguyên thẩm phán TAND Tối cao, cho rằng việc chuyển hình phạt tử hình sang chung thân nên được áp dụng để thể hiện tính khoan hồng của pháp luật nhưng cũng không làm mất tính giáo dục, răn đe phòng ngừa chung cho xã hội.
Không chỉ đối với hai loại tội phạm ma túy nêu trên mà đối với các loại tội phạm khác cũng nên áp dụng theo nguyên tắc nếu người phạm tội chỉ có tình tiết tăng nặng mà không có tình tiết giảm nhẹ thì không đủ điều kiện xem xét chuyển đổi khung hình phạt hay áp dụng khung hình phạt nhẹ hơn điều luật quy định.
"Do đó, theo tôi để có căn cứ xác định chuyển hình phạt từ tử hình sang chung thân đối với người phạm tội trên thì chỉ nên áp dụng đối với những trường hợp người phạm tội có không quá 1 tình tiết tăng nặng, đồng thời phải có ít nhất 3 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS.
Phương án này vừa đảm bảo đúng tinh thần nhân đạo và tính nghiêm minh của pháp luật", TS-LS Kim Vinh nói.
Còn theo Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai), xuất phát từ nguyên tắc văn bản dưới luật không được trái với Hiến pháp, với Luật, đồng thời đặt trong tổng thể chính sách hình sự khoan hồng của Nhà nước, áp dụng nguyên tắc có lợi cho người phạm tội, luật sư Quân cho rằng phương án thứ hai phù hợp với giới hạn lập pháp và thể hiện được tính nhân đạo.
Tại điểm b khoản 3 Điều 4 Luật sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2025 đã xác lập tương đối rõ ràng các điều kiện để được chuyển từ hình phạt tử hình sang tù chung thân, trong đó không đề cập đến yêu cầu cụ thể về số lượng tình tiết giảm nhẹ.
"Việc đề xuất thêm điều kiện “tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 4 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 3 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự” đã bổ sung một điều kiện mới mà Bộ luật không quy định, trái với tinh thần của pháp luật hình sự, đi ngược với định hướng chính sách khoan hồng mà cơ quan lập pháp đã thiết lập một cách có chủ đích và cân nhắc kỹ lưỡng", Luật sư Quân nhận định.
Cũng theo luật sư Quân, trong bối cảnh pháp luật hình sự ngày càng hướng đến sự cân bằng giữa trừng trị và cải tạo, việc đưa ra điều kiện cứng nhắc sẽ làm phát sinh một rào cản pháp lý mới trong quá trình xét chuyển hình phạt, thu hẹp khả năng được hưởng chính sách hình sự khoan hồng, từ đó ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào chính sách hình sự nhân đạo của Nhà nước.
Hủy quyết định chuyển hình phạt tử hình thành chung thân
Như đã nói ở trên, Bộ luật Hình sự (sửa đổi năm 2025) đã bổ sung việc không thi hành án tử hình đối với trường hợp “người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối”. Khi đó, hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.
Về việc hủy quyết định này khi không còn căn cứ chuyển hình phạt, TAND Tối cao cho biết hiện cũng có hai luồng quan điểm.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, cần quy định cụ thể trường hợp người bị kết án tử hình mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối đã được Chánh án TAND Tối cao quyết định chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân như sau đó phát hiện họ không bị bệnh ung thư giai đoạn cuối.
Khi đó thì Chánh án TAND Tối cao hủy quyết định chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân để bảo đảm công bằng, thống nhất trong thực tiễn áp dụng.
Quan điểm thứ hai cho rằng, không cần quy định cụ thể nội dung này trong dự thảo Thông tư liên tịch.
SONG MAI
Nguồn PLO : https://plo.vn/de-xuat-dieu-kien-chuyen-an-tu-hinh-thanh-chung-than-post861661.html