Ảnh minh họa.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết Luật Địa chất và khoáng sản số 54/2024/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 29/11/2024, thay thế Luật Khoáng sản năm 2010. Luật mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 với nhiều nội dung mới liên quan đến 5 nhóm chính sách.
Một làchính sách về tài nguyên địa chất, khoáng sản; điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản; thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản.
Hai làhoàn thiện chính sách về bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản; chiến lược, quy hoạch địa chất, khoáng sản.
Ba làhoàn thiện chính sách về khu vực khoáng sản.
Bốn là hoàn thiện chính sách trong quản lý hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản.
Năm làtài chính về địa chất, khoáng sản. Luật đã giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết 63 nội dung, trong đó một số nội dung đã được quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản năm 2010.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên cơ sở các quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, các Bộ, ngành liên quan đã xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 14 Nghị định, 10 Nghị quyết, 12 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và xây dựng ban hành theo thẩm quyền 70 Thông tư. Sau hơn 13 năm tổ chức triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã đạt được một số kết quả trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là đã nâng cao ý thức trách nhiệm trong khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên khoáng sản của các tổ chức, cá nhân; công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản tiếp tục được tăng cường hiệu lực, hiệu quả.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, quá trình thực hiện các quy định trên cũng có những vướng mắc nhất định cần được rà soát kế thừa hoặc bổ sung các quy định mới cho phù hợp với Luật Địa chất và khoáng sản năm 2024 và điều kiện phát triển của kinh tế - xã hội. Vì vậy, để bảo đảm Luật Địa chất và khoáng sản được triển khai thi hành ngay sau khi có hiệu lực, việc xây dựng, ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Địa chất và khoáng sản năm 2024 là hết sức cần thiết.
Trong đó, dự thảo quy định tổ chức, cá nhân được xem xét cấp giấy phép khai thác khoáng sản, gồm cả trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 65 của Luật Địa chất và khoáng sản khi đáp ứng đủ các điều kiện:
Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền lựa chọn để khai thác khoáng sản ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản quy định tại Điều 148 của Nghị định này hoặc trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa khai thác khoáng sản; Có đủ điều kiện hành nghề khai thác khoáng sản, theo quy định của Nghị định này; Có hồ sơ năng lực tài chính để thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản theo quy định tại Điều 62 của Nghị định này, đảm bảo năng lực tài chính để thực hiện với giá trị không nhỏ hơn ....% tổng vốn của dự án đầu tư khai thác khoáng sản; Đã nộp đủ hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định.
Hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản được lập thành 1 bộ, theo hình thức: Bản chính văn bản đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản; bản đồ khu vực khai thác khoáng sản; dự án đầu tư khai thác khoáng sản kèm theo quyết định phê duyệt;
Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu: Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; các bản đồ, mặt cắt, bản vẽ thiết kế liên quan kèm theo dự án đầu tư được phê duyệt;
Văn bản thẩm định an toàn của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đối với trường hợp đề nghị khai thác quặng phóng xạ.
Ngoài ra, việc tổ chức, cá nhân được xem xét cho phép trả lại giấy phép khai thác khoáng sản khi đáp ứng đủ các điều kiện: Tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản không có nhu cầu tiếp tục khai thác khoáng sản; Đã hoàn thành các nghĩa vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Địa chất và khoáng sản; Đã nộp đủ hồ sơ đề nghị trả lại giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định.
Thanh Xuân