Ngày 24-4, tại TP.HCM, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).
Tham dự hội nghị, có gần 100 cán bộ công đoàn đến từ các tỉnh, thành khu vực phía Nam và Công đoàn Cao su Việt Nam.
Tại đây, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến các nội dung như chính sách việc làm bền vững, bảo hiểm thất nghiệp, quyền lợi của người lao động, cũng như vai trò của tổ chức công đoàn trong việc giám sát thực thi pháp luật lao động.
Đáng chú ý, ông Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, cho biết hiện nay, có nhiều trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động nhưng không chốt sổ bảo hiểm xã hội kịp thời.
Ngoài ra, doanh nghiệp có đi chốt nhưng lại gặp vướng mắc về thủ tục, hồ sơ, dẫn đến việc gần hết hoặc hết thời hạn 3 tháng theo quy định, người lao động vẫn chưa thể hoàn tất thủ tục đăng ký thất nghiệp.
“Việc không kịp chốt sổ bảo hiểm xã hội khiến người lao động không thể làm hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời gian quy định, mất luôn quyền lợi trong giai đoạn đang rất cần nguồn tài chính để sinh sống hoặc tìm việc mới” - ông Hà nói.
Tuy nhiên, theo ông Hà, hiện pháp luật hiện hành cũng như dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) chưa có quy định cụ thể nào buộc doanh nghiệp hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội phải bồi thường cho người lao động trong trường hợp này. Điều đó dẫn đến tình trạng doanh nghiệp chậm trễ nhưng người lao động lại là người gánh chịu hậu quả.
Hiện nay, có nhiều trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động nhưng không chốt sổ bảo hiểm xã hội kịp thời. Ảnh minh họa: HN
Từ thực tế đó, ông Hà kiến nghị dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) cần bổ sung quy định rõ ràng về trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp nếu không hoàn tất đầy đủ, kịp thời hồ sơ, thủ tục để người lao động có thể đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp đúng hạn.
Tiếp lời vấn đề này, ông Phạm Văn Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP.HCM cho rằng thời hạn đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc cần được kéo dài từ 3 tháng lên 6 tháng.
“Hiện nay có nhiều doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng hoặc còn nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Một số trường hợp, dù có được đóng bù cho người lao động thì thời gian xử lý vẫn kéo dài, gây chậm trễ trong việc hoàn tất thủ tục chốt sổ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Vì vậy, người lao động có thể không kịp thời gian để đăng ký thất nghiệp và mất quyền được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Do đó, cần thay đổi cách tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp để khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp lâu dài. Cụ thể, mức hưởng nên được tính lũy tiến theo số năm đóng bảo hiểm thất nghiệp, thay vì đồng loạt áp dụng mức 60% như hiện nay” - ông Hiền nói.
Theo ông Hiền, mức hưởng tối đa có thể được nâng lên, nhưng không vượt quá 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Việc này sẽ tạo động lực để người lao động gắn bó lâu dài và đảm bảo công bằng hơn giữa những người đóng ngắn hạn và dài hạn.
HẢI NHI