Công ty Cổ phần Nông nghiệp Mùa Xuân Hậu Giang (huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) cho biết, qua khảo sát mới đây, khu vực vườn chim tại đơn vị có khoảng 20 loài chim về sinh sống và sinh sản trên diện tích khoảng 8ha. Trong đó, những loài chim làm tổ có số lượng lớn là vạc, cồng cộc nhỏ, giang sen (một loài chim quý họ hạc nằm trong Sách Đỏ Việt Nam). Đặc biệt, vườn ghi nhận có loài điêng điểng hay chim cổ rắn, với gần 30 cá thể.
Những loài chim quý có mặt ở vườn chim Mùa Xuân.
Công ty Mùa Xuân Hậu Giang đang quản lý hơn 1.160 ha, trong đó khoảng 60% diện tích giao khoán cho người dân. Thời gian qua, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ và phát triển vườn chim như trồng thêm cây rừng, cây bản địa để chim có nơi trú ẩn, thường xuyên thả thêm cá để tạo nguồn thức ăn cho chim…
Công ty Mùa Xuân Hậu Giang đề xuất UBND tỉnh Hậu Giang cho phép lập dự án vườn chim nông nghiệp Mùa Xuân, trên diện tích khoảng 7-8ha, nơi sinh sống của khoảng 20 loài chim, trong đó có một số loài chim quý hiếm, làm cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học nơi đây.
Ông Trần Chí Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang giao Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Tài chính tiếp tục nghiên cứu để đề xuất giải pháp phù hợp đề xuất trên; sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công ty theo đúng đề án cổ phần hóa đã được phê duyệt. UBND huyện Phụng Hiệp được giao đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn hệ sinh thái trên địa bàn…
Một góc Khu du lịch Mùa Xuân (xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang).
Khu vực Công ty Mùa Xuân Hậu Giang quản lý, khai thác trước đây là Lâm trường Mùa Xuân, nơi đây cùng với Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng được xem là “lá phổi xanh” của Hậu Giang và vùng Tây Sông Hậu. Nơi đây có cánh rừng tràm bạt ngàn, hệ thống thảm thực vật phong phú, kênh rạch nước ngọt quanh năm, hệ sinh thái đa dạng, nhiều loài quý hiếm.
Cảnh Kỳ