Theo dự thảo kế hoạch của Thanh tra Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra, cơ quan này dự kiến sắp xếp tổ chức, bộ máy, nhân sự mới dựa trên cơ sở kết thúc hoạt động 12 Thanh tra Bộ và 5 đơn vị cấp vụ thuộc Thanh tra Chính phủ.
Đồng thời, Thanh tra Chính phủ còn đề xuất hợp nhất trường Cán bộ Thanh tra và Viện Chiến lược Khoa học Thanh tra.
Việc sắp xếp lại Thanh tra ở Trung ương sẽ do Thanh tra Chính phủ chủ trì, ở địa phương sẽ do UBND các tỉnh chủ trì với sự phối hợp của Thanh tra Chính phủ.
Dừng hoạt động Thanh tra cấp Bộ, chuyển về Thanh tra Chính phủ. Ảnh: VNN
Quy trình tiếp nhận, điều chuyển công chức, bàn giao nhiệm vụ, hồ sơ và tài liệu có liên quan dự kiến hoàn thành trước ngày 30/5/2025.
Tại địa phương, Thanh tra Chính phủ đề xuất kết thúc hoạt động Thanh tra cấp huyện, Thanh tra sở và Thanh tra tỉnh hiện tại.
Theo đó, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì xây dựng và triển khai phương án sắp xếp, bố trí nhân sự theo hướng bàn giao, tiếp nhận nhiệm vụ, hồ sơ tài liệu có liên quan từ Thanh tra cấp huyện, Thanh tra sở về Thanh tra tỉnh.
Thời hạn sắp xếp bộ máy thanh tra địa phương phải hoàn thành đồng bộ với việc thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Cũng trong thời gian này, Thanh tra Chính phủ sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động thanh tra. Theo đó, Thanh tra Chính phủ sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ theo trình tự, thủ tục, rút gọn.
Về việc bố trí trụ sở, cơ sở vật chất, kế hoạch đề xuất sắp xếp theo nguyên tắc tận dụng tối đa trụ sở, cơ sở vật chất hiện có của Thanh tra Chính phủ.
Đồng thời bố trí trụ sở của cơ quan nhà nước dôi dư sau khi sáp nhập đảm bảo tiết kiệm và tránh lãng phí. Trong trường hợp chưa sắp xếp được ngay thì có thể thuê trụ sở làm việc để đảm bảo công việc liên tục, không gián đoạn.
Thế Vinh