Bộ GD&ĐT đang xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.
Nhiều trẻ 3-4 tuổi chưa được tiếp cận giáo dục mầm non
Theo Bộ GD&ĐT, hàng năm có trên 5,1 triệu trẻ mầm non, trong đó có hơn 4,5 triệu trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo từ 3-5 tuổi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại 15.256 trường mầm non và 17.444 cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Tỉ lệ huy động trẻ em nhà trẻ đạt 34,6%, trẻ em mẫu giáo đạt 93,6%.
Tuy nhiên, giáo dục mầm non vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Một số lượng khá lớn trẻ mẫu giáo từ 3-4 tuổi (chủ yếu ở vùng khó khăn, đối tượng yếu thế) chưa được tiếp cận với giáo dục mầm non, tạo sự mất công bằng trong tiếp cận giáo dục.
Các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục mầm non còn hạn chế. Chính sách hiện hành dành cho trẻ em mầm non, giáo viên, cơ sở giáo dục, cơ chế, chính sách đầu tư, xã hội hóa giáo dục còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục mầm non.
Trẻ mầm non tại một trường bán trú ở huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Ảnh: TT
Các nghiên cứu về giáo dục mầm non trên thế giới đều có chung kết luận rằng đảm bảo tiếp cận công bằng với giáo dục mầm non có chất lượng là một trong những khoản đầu tư quan trọng nhất của xã hội.
Trẻ em độ tuổi mẫu giáo từ 3-5 tuổi ra lớp là phù hợp nhu cầu học tập, giao tiếp và phát triển. Không đầu tư vào giai đoạn đầu đời là nguyên nhân trẻ em có sức khỏe kém, ít kỹ năng học tập hơn, tỉ lệ bỏ học cao hơn ở cấp học tiếp theo.
Bộ GD&ĐT cho biết hiện nay Luật Giáo dục chỉ quy định về phổ cập cho trẻ 5 tuổi. Để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non, trẻ em mẫu giáo, cần sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục.
Tuy nhiên, việc sửa đổi Luật cần thời gian đánh giá toàn diện để giải quyết nhiều nội dung phức tạp, trong khi yêu cầu hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non, trẻ em mẫu giáo đã được đặt ra tại Nghị quyết 42-NQ/TW, Kết luận 91-KL/TW.
Do đó, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và thực hiện mục tiêu hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo vào năm 2030 trong bối cảnh hiện nay là cần thiết.
3 chính sách để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non
Tại dự thảo Nghị quyết, Bộ GD&ĐT đề xuất thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi trên phạm vi toàn quốc, phấn đấu 100% các tỉnh, thành được công nhận đạt chuẩn về phổ cập giáo dục mẫu giáo vào năm 2030.
Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ GD&ĐT đề xuất 3 chính sách.
Chính sách 1 nhằm hỗ trợ trẻ mẫu giáo. Theo đó, Bộ GD&ĐT đề xuất hỗ trợ chi phí học tập với trẻ từ 3-5 tuổi, là con công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp đã được ký hợp đồng lao động.
Cùng với đó, nâng mức hỗ trợ tiền ăn trưa so với quy định hiện hành cho trẻ 3-5 tuổi.
Nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách này dự kiến khoảng 1.062 tỉ đồng/năm.
Chính sách 2 nhằm hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên mầm non.
Cụ thể, Bộ GD&ĐT đề xuất có trợ cấp thu hút tuyển dụng giáo viên mẫu giáo từ năm học 2025-2026 vào làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mầm non.
Hỗ trợ kinh phí cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục mầm non (không bao gồm các cơ sở giáo dục mầm non có liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài; cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài) thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mầm non.
Ưu tiên, đầu tư và thu hút nguồn lực phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên cấp học mầm non; bảo đảm đủ số lượng giáo viên mầm non theo định mức quy định bảo đảm điều kiện thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mầm non.
Nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách này khoảng 6.125 tỉ đồng/năm.
Chính sách 3 nhằm đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non. Cụ thể, ưu tiên đầu tư, thu hút nguồn lực phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm điều kiện thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mầm non.
Nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách này khoảng 91.872 tỉ đồng/năm.
Theo dự thảo của Bộ GD&ĐT, nguồn kinh phí thực hiện Nghị quyết gồm nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vốn xã hội hóa giáo dục và các nguồn huy động hợp pháp khác.
THANH THANH