Đề xuất gần 9.300 tỷ đồng nâng cấp 3 tuyến quốc lộ tại ĐBSCL

Đề xuất gần 9.300 tỷ đồng nâng cấp 3 tuyến quốc lộ tại ĐBSCL
4 giờ trướcBài gốc
Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), việc đầu tư dự án nhằm từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ kết nối khu vực theo quy mô quy hoạch được duyệt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Đối với QL53, Bộ GTVT đề xuất nâng cấp cầu Ngã Tư, đoạn Long Hồ - Ba Si. Trong đó, xây dựng mới tuyến tránh thị trấn Vũng Liêm và Càng Long dài khoảng 17,3km. Chiều dài đầu tư khoảng 41km, qua 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh.
Tuyến quốc lộ này được đầu tư cải tạo đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m với vận tốc thiết kế 80km/h.
Đối với QL62, điểm đầu dự kiến tại nút giao với đường cao tốc TP HCM - Trung Lương. Điểm cuối dự kiến tại Km 74+000, trong đó xây dựng mới tuyến tránh thị trấn Tân Thạnh dài khoảng 8km. Chiều dài đầu tư khoảng 69km trên địa bàn tỉnh Long An. Tuyến được nâng cấp, cải tạo đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h.
QL91B được đề xuất nâng cấp đoạn Km 2+604 (ngã 5 cầu Cần Thơ) - Km 143+480 với chiều dài đầu tư khoảng 141km, trên địa bàn TP Cần Thơ, các tỉnh: Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu. Tuyến được nâng cấp, cải tạo đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h.
Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 9.297 tỷ đồng, tương đương khoảng 385 triệu USD. Trong đó, vốn vay Ngân hàng Thế giới (World Bank) khoảng 262 triệu USD được sử dụng cho các hạng mục như chi phí xây dựng, thiết bị trước thuế; chi phí tư vấn giám sát thi công; chi phí dự phòng cho các hạng mục trên.
Phần còn lại là vốn đối ứng khoảng 2.975 tỷ đồng, được sử dụng cho các hạng mục như chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác; chi phí giải phóng mặt bằng và các loại thuế, phí.
Sơ bộ tổng mức đầu tư tăng thêm hơn 2.000 tỷ đồng
Theo Bộ GTVT, so với đề xuất dự án đã được phê duyệt tại Quyết định số 646 ngày 7/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cơ bản giữ nguyên phạm vi, quy mô, hướng tuyến như đề xuất dự án đã được phê duyệt nhưng sơ bộ tổng mức đầu tư tăng khoảng 2.139 tỷ đồng.
Nguyên nhân do tăng chi phí xây dựng hơn 956 tỷ đồng. Trong bước đề xuất dự án, chi phí xây dựng được tính theo suất vốn đầu tư do Bộ Xây dựng công bố tại Quyết định số 65 ngày 20/1/2021. Tại bước chủ trương đầu tư (lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi), chi phí xây dựng được tính theo khối lượng thiết kế sơ bộ và đơn giá vật liệu, nhân công, máy tại thời điểm hiện nay.
Mặt khác, theo Bộ GTVT, chi phí giải phóng mặt bằng tăng lên 840 tỷ đồng. Trong bước đề xuất dự án, chi phí giải phóng mặt bằng được tính theo khung giá đất của các địa phương tại thời điểm năm 2021. Tại bước chủ trương đầu tư, chi phí giải phóng mặt bằng được tính trên cơ sở các quyết định đơn giá đất, các hạng mục liên quan do địa phương mới ban hành và các văn bản kiến nghị đơn giá áp dụng cho dự án của địa phương.
Đến năm 2026, tổng chiều dài đường cao tốc khu vực phía Nam sẽ đạt 935km
Liên quan đến việc đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông kết nối các tỉnh phía Nam, ngày 13/2/2025, Bộ GTVT đã có văn bản số 1340 gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang để trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang gửi tới sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Theo nội dung kiến nghị, cử tri tỉnh An Giang đánh giá cao sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ trong việc bố trí nguồn lực đầu tư cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông đối với các tỉnh phía Nam.
"Cử tri đề nghị quan tâm hơn nữa, huy động các nguồn lực để đầu tư, xây dựng thêm nhiều tuyến đường cao tốc đối với khu vực phía Nam, qua đó đồng bộ hạ tầng, tăng liên kết vùng, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực," cử tri tỉnh An Giang nêu trong văn bản kiến nghị.
6 tuyến cao tốc "kích hoạt" tiềm năng kinh tế miền Tây Nam Bộ. Nguồn: Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ.
Phản hồi về vấn đề cử tri nêu, Bộ GTVT cho biết, trong thời gian qua, hệ thống đường bộ cao tốc khu vực phía Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Cụ thể, trước khi bước vào nhiệm kỳ năm 2021 - 2025, toàn khu vực chỉ có 91km đường cao tốc, đến nay các tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2, Phan Thiết - Dầu Giây đã được đưa vào khai thác, nâng tổng chiều dài đường cao tốc trong khu vực lên 223km (tăng 132km).
Hiện tại, đang triển khai xây dựng các tuyến vành đai 3 - TP HCM, Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, An Hữu - Cao Lãnh, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cần Thơ - Cà Mau, Cao Lãnh - Lộ Tẻ, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi với tổng chiều dài 712km. Dự kiến đến năm 2026, tổng chiều dài hệ thống đường cao tốc khu vực phía Nam sẽ đạt 935km.
Để tăng cường liên kết vùng và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực, Bộ GTVT cho biết, các tuyến đường bộ cao tốc đã và đang được nghiên cứu đầu tư, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2026 - 2030.
Trong đó, một số tuyến đã được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư, bố trí đủ vốn ngân sách Nhà nước để triển khai như tuyến Gia Nghĩa - Chơn Thành, Dầu Giây - Tân Phú - Bảo Lộc - Liên Khương, TP HCM - Chơn Thành, TP HCM - Mộc Bài, Mỹ An - Cao Lãnh. Bên cạnh đó, một số tuyến đã được Thủ tướng Chính phủ giao địa phương nghiên cứu đầu tư như vành đai 4 - TP HCM, Gò Dầu - Xa Mát.
"Như vậy, với các dự án này, đến năm 2030, hệ thống đường bộ cao tốc khu vực phía Nam sẽ cơ bản được đầu tư theo quy hoạch, đáp ứng tốt nhu cầu vận tải trung và dài hạn của khu vực," Bộ GTVT nêu trong văn bản trả lời kiến nghị.
Thu Thảo
Theo Cổng TTĐT Chính phủ, Bộ GTVT
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/de-xuat-gan-9300-ty-dong-nang-cap-3-tuyen-quoc-lo-tai-dbscl-38244.html