Sáng 25/04, tại Hà Nội, Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo "Hiện trạng và đề xuất giải pháp giao khoán đất lâm nghiệp trong các công ty lâm nghiệp". Mục tiêu của Hội thảo là tìm kiếm các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác khoán, quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên rừng trong các công ty lâm nghiệp, hướng tới phát triển lâm nghiệp bền vững.
Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá cao những tác động tích cực của công tác giao khoán đất rừng tại các công ty lâm nghiệp thời gian qua, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất và tài nguyên rừng thông qua các Nghị định 01/1995, 135/2005 và 168/2016 của Chính phủ. Chính sách này đã huy động nguồn lực xã hội, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp, cải thiện bảo vệ rừng và nâng cao ý thức cộng đồng.
Tuy nhiên, hội thảo cũng chỉ ra nhiều tồn tại như tranh chấp, lấn chiếm đất, sử dụng đất sai mục đích và vướng mắc hợp đồng khoán. Nguyên nhân được chỉ ra bao gồm hạn chế tuyên truyền, lực lượng bảo vệ mỏng, hồ sơ đất đai chưa hoàn thiện, giám sát lỏng lẻo và phức tạp trong giải quyết tranh chấp.
Hội thảo "Hiện trạng và đề xuất giải pháp giao khoán đất lâm nghiệp trong các công ty lâm nghiệp"
Để giải quyết vấn đề, nhiều chuyên gia đề xuất cần hoàn thiện cơ chế, chính sách giao khoán, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 168/2016/NĐ-CP theo hướng mở rộng đối tượng, đảm bảo quyền lợi người dân, tăng cường trách nhiệm các bên và có cơ chế xử lý vi phạm, hỗ trợ sản xuất hiệu quả. Đặc biệt, nhiều ý kiến đề xuất trao quyền chủ động sản xuất kinh doanh cho các công ty lâm nghiệp nhà nước đối với đất đã giao hoặc cho thuê, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xử lý vi phạm và lập phương án sử dụng đất khi công ty trả đất về địa phương, gắn với chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị: “Cần hoàn thiện các cơ sở pháp lý cho công tác giao khoán này, làm sao để tạo cái sự năng động, sự chủ động sản xuất cho các công ty lâm nghiệp và họ chỉ chịu trách nhiệm cuối cùng về hiệu quả sử dụng đất, bảo vệ rừng, bảo vệ rừng nếu xảy ra vấn đề gì trong cái mất rừng hoặc mất đất thì họ phải chịu trách nhiệm, hiệu quả kinh doanh theo quy định, bảo toàn vốn của nhà nước.”
Những đề xuất từ hội thảo được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành lâm nghiệp Việt Nam.
Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh: “Từ giờ đến cuối năm trong ngành lâm nghiệp sẽ xây dựng một nghị định mà không mang tính gọi là chuyên đề chuyên biệt riêng mà Nghị định sửa đổi tất cả các nghị định để tháo gỡ phù hợp với chính quyền hai cấp và khắc phục những cái vấn đề khó khăn trong thực tiễn mà muốn cần xử lý nhanh. Còn những vấn đề chuyên sâu thì chị sẽ tiếp tục hoàn thiện nghị định riêng…”.
Trần Long/VOV1