Chùa Phổ Quang bị cháy và thiệt hại nặng. Ảnh: DSVH
Theo đó Bộ yêu cầu Sở VH,TT&DL tỉnh Phú Thọ, UBND huyện Lâm Thao và các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp bảo vệ, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, di vật tại chùa Xuân Lũng - chùa Phổ Quang (xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, Phú Thọ), trong đó có Bảo vật Quốc gia Bàn thờ Phật bằng đá (bệ đá hoa sen).
Công văn ghi rõ, liên quan đến vụ cháy chùa Xuân Lũng ngày 23-10 vừa qua làm hư hại nhiều di vật, cổ vật có giá trị tại ngôi chùa có tuổi đời gần 800 năm tuổi, ngày 24-10, Bộ VH,TT&DL đã cử đoàn công tác tiến hành kiểm tra hiện trường vụ cháy Di tích Quốc gia chùa Xuân Lũng.
Căn cứ báo cáo của đoàn công tác và hiện trường vụ cháy, Bộ VH,TT&DL có ý kiến như sau: Chùa Xuân Lũng (còn có tên gọi là chùa Phổ Quang) được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL) xếp hạng Di tích Quốc gia ngày 10-7-1980. Chùa còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị, trong đó có Bàn thờ Phật bằng đá được công nhận Bảo vật Quốc gia năm 2021. Dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Xuân Lũng được Bộ VH,TT&DL phê duyệt chủ trương ngày 30-8-2012.
Vụ cháy xảy ra tại công trình Tam bảo của chùa, theo đánh giá của đoàn công tác, phần hoành, rui, cửa gỗ bị cháy toàn bộ. Tường mặt ngoài có vết nứt, bề mặt không thấy hư hại, nhưng mặt trong đã bị hư hỏng, đặc biệt là phần Ống muống, Hậu cung. Toàn bộ cột đã bị cháy bề mặt; hoành, rui, các cấu kiện vì mái, hệ thống cửa bị cháy toàn bộ. Chân tảng bị bong vỡ, hư hỏng hết. Kết cấu công trình đã rất yếu không còn khả năng chịu lực.
Bảo vật quốc gia Bàn thờ Phật bằng đá bị ám khói đen. Ảnh: DSVH
Về hệ thống hiện vật, gồm có: Bảo vật quốc gia Bàn thờ Phật bằng đá, hệ thống tượng bằng đất, hệ thống tượng gỗ, trong đó Bảo vật quốc gia Bàn thờ Phật bằng đá bị ám khói đen toàn bộ bề mặt bàn thờ; đài sen bị gãy vỡ hai góc bên trái (cả cánh sen trên và dưới); một số vị trí còn bị biến đổi về mặt hóa học.
Hầu hết hệ thống tượng đất bị hư hỏng nặng, đã mất hoàn toàn lớp sơn thếp; bị rơi gãy các bộ phận; một số tượng bị đổ ngả vào tường; một số tượng bề mặt bị mềm. Tượng gỗ đã bị cháy hoàn toàn, bị than hóa.
Với thực trạng di tích nêu trên, Bộ VH,TT&DL đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ giao cơ quan chức năng và chính quyền địa phương làm rõ trách nhiệm; tăng cường công tác bảo vệ, giữ gìn các di tích khác trên địa bàn toàn tỉnh; tiếp tục đánh giá, kiểm đếm, bảo vệ tối đa các cấu trúc và thành phần của di tích còn tồn tại.
Đối với kiến trúc công trình phải bao che công trình nhưng không căng bạt trực tiếp lên kiến trúc vì kết cấu công trình đã rất yếu.
Đối với Bảo vật quốc gia Bàn thờ Phật bằng đá cần phải thực hiện ngay các biện pháp kiểm kê các mảnh đá của bàn thờ bị rơi, rụng; đánh số, mã hóa và có giải pháp bảo quản an toàn tất cả các mảnh vỡ này; dọn dẹp toàn bộ các mảnh ngói, gạch vụn rơi phía trên bàn thờ; gia công khung cứng để bao che toàn bộ bàn thờ.
Không di dời các hiện vật, đối với các hiện vật bị đổ, thận trọng định vị lại hiện vật. Gia công khung lưới thép có mái che cứng bên trên để bảo vệ hiện vật, bảo đảm thông thoáng cho hiện vật, tránh gây hiện tượng om nhiệt, ẩm.
Bô yêu cầu cần sớm đề xuất các biện pháp cấp thiết, xem xét đến sự phù hợp, đồng bộ với các giải pháp về bảo quản, tu bổ lâu dài sau này. Về lâu dài, đối với Bảo vật quốc gia Bàn thờ Phật bằng đá và hệ thống các hiện vật cần được nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học, thận trọng, kỹ lưỡng cấu trúc vật liệu để đề xuất giải pháp bảo quản, tu bổ.
Hoàng Lân