Bộ Tài chính vừa đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định tờ trình Chính phủ xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân thay thế.
Một trong những nội dung đáng chú ý là bổ sung biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền công, tiền lương.
Theo Bộ Tài chính, biểu thuế hiện hành chưa hợp lý bởi bảy bậc thuế là quá nhiều. Bên cạnh đó, việc giãn cách giữa các bậc quá hẹp dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào năm, làm tăng số thuế phải nộp.
Mặt khác, số lượng phải quyết toán thuế tăng không cần thiết, trong khi số thuế phải nộp thêm không nhiều.
Theo Bộ Tài chính, việc áp dụng thu thuế thu nhập cá nhân theo các mức thuế lũy tiến từng phần được thực hiện phổ biến trên thế giới.
Bộ Tài chính dẫn chứng, Indonesia có 5 bậc thuế với các mức thuế suất từ 5-35%. Philippines cũng có 5 bậc thuế. Malaysia cũng giảm số bậc thuế từ 11 bậc năm 2021 xuống còn 9 bậc từ năm 2024.
Đề xuất giảm bậc thuế để bớt gánh nặng cho người nộp thuế thu nhập cá nhân. (Ảnh minh họa).
Vì vậy, Việt Nam có thể giảm số bậc thuế xuống dưới 7 bậc. Cùng với đó xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao. Việc giảm số bậc thuế sẽ tạo thuận lợi cho công tác kê khai, nộp thuế.
Ngoài ra, một nội dung khác cũng được quan tâm là mức giảm trừ gia cảnh. Theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành, thu nhập cá nhân chịu thuế là khoản sau khi đã trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, đóng góp từ thiện…
Từ năm 2009, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế được áp dụng là 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm), với người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng.
Đến năm 2013, mức giảm trừ với 2 đối tượng nêu trên tăng lần lượt là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm) và 3,6 triệu đồng/tháng. Đồng thời, bổ sung quy định nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Năm 2020, thêm một lần mức giảm trừ gia cảnh được nâng, lần lượt là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm) và 4,4 triệu đồng/tháng, áp dụng cho đến nay.
Bộ Tài chính, cơ quan chủ trì soạn thảo, đánh giá với mức giảm trừ hiện hành, người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hoặc 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... thì vẫn chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Chứng minh, Bộ Tài chính dẫn báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy, thu nhập bình quân đầu người/tháng của Việt Nam là 4,96 triệu đồng và nhóm hộ có thu nhập cao nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất) là 10,86 triệu đồng/tháng/người.
Cơ quan này cũng cho biết, mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay bằng 2,21 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người. Mức này cao hơn nhiều so với mức phổ biến mà các nước đang áp dụng và tương đương thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số giàu nhất.
Ngoài ra, Bộ Tài chính nhận định, sau gần 5 năm áp dụng, đã tới lúc cần thiết rà soát, đánh giá lại để đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với các điều kiện mới.
Từ thực tiễn trên, Bộ Tài chính đề xuất cân nhắc nghiên cứu phương án giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh để đảm bảo linh hoạt, chủ động điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.
Châu Anh