Đề xuất giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2026 cho tất cả mặt hàng

Đề xuất giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2026 cho tất cả mặt hàng
8 giờ trướcBài gốc
Đề xuất mở rộng phạm vi và thời gian giảm thuế
Trong phiên thảo luận tại tổ thuộc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV diễn ra vào chiều 21/5 nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thuộc Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh đã đề xuất kéo dài chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) đến hết năm 2026 và mở rộng phạm vi áp dụng cho tất cả mặt hàng, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tiêu dùng và giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
Toàn cảnh phiên họp
Đồng tình với đề xuất của Chính phủ về việc tiếp tục giảm 2% thuế suất VAT trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026, nhiều đại biểu cho rằng chính sách này cần được mở rộng hơn cả về thời gian lẫn phạm vi để phát huy hiệu quả tối đa.
ĐBQH Trần Anh Tuấn nhận định, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, đặc biệt là việc Hoa Kỳ áp dụng các chính sách thuế đối ứng với nhiều quốc gia, Việt Nam cần tăng cường phát huy nội lực, thúc đẩy tiêu dùng trong nước để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên và tiến tới hai con số.
“Việc giảm thuế VAT trong thời gian qua đã hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, tạo việc làm và thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa. Tuy nhiên, cần có đánh giá cụ thể về tác động của chính sách này để tiếp tục hoàn thiện và mở rộng trong thời gian tới. Tôi đề nghị áp dụng mức giảm 2% cho tất cả hàng hóa, thay vì chỉ một số nhóm như hiện nay”, đại biểu Trần Anh Tuấn nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025, tổng mức bán lẻ và doanh thu tiêu dùng xã hội cần tăng mạnh. Việc giảm VAT sẽ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy bán buôn, bán lẻ và tiêu dùng, nhất là với các nhóm hàng công nghệ, viễn thông, lĩnh vực đang chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong đời sống hiện đại.
Trước băn khoăn về việc giảm thuế có thể ảnh hưởng đến thu ngân sách, đại biểu Trần Hoàng Ngân dẫn chứng thực tế triển khai thời gian qua cho thấy thu ngân sách vẫn tăng nhờ tiêu dùng nội địa được kích thích.
Đề xuất giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2026 cho tất cả mặt hàng
Kiến nghị ban hành nghị quyết độc lập
ĐBQH Đỗ Đức Hiển cho rằng, việc tiếp tục chính sách giảm thuế lần này không phải là một chính sách mới mà là sự nối tiếp các biện pháp đã triển khai trong thời gian qua. Tuy nhiên, khác biệt nằm ở thời gian áp dụng dài hơn và phạm vi rộng hơn, do đó cần được ban hành dưới hình thức một nghị quyết độc lập của Quốc hội để đảm bảo tính pháp lý.
Cũng theo đại biểu Đỗ Đức Hiển, việc ban hành nghị quyết riêng sẽ giúp nâng cao tính quy phạm pháp luật, tạo cơ sở vững chắc cho quá trình triển khai. Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng về tên gọi của nghị quyết để đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Nhiều đại biểu cũng thống nhất rằng, trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn đang phục hồi sau dịch và đối mặt với nhiều thách thức như chi phí đầu vào cao, sức mua yếu, thì việc tiếp tục duy trì chính sách giảm thuế là cần thiết và kịp thời. Ngoài tác động hỗ trợ doanh nghiệp, chính sách này còn đóng vai trò quan trọng trong việc bình ổn giá cả và duy trì sức mua trong nước.
Theo các ĐBQH, việc giảm VAT không chỉ là một chính sách tài khóa mang tính hỗ trợ ngắn hạn, mà còn là công cụ quan trọng trong chiến lược kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Các đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần sớm tổng kết, đánh giá toàn diện tác động của các đợt giảm thuế VAT đã qua, đồng thời tính toán kỹ lưỡng để xây dựng phương án áp dụng chính sách cho giai đoạn tiếp theo, tránh tình trạng “nửa vời” gây khó khăn trong thực thi.
Phùng Xuân
Nguồn Thị Trường Tài Chính : https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tai-chinh/de-xuat-giam-thue-vat-2-den-het-nam-2026-cho-tat-ca-mat-hang-142983.html