Cụ thể, theo đề xuất, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và trung gian thanh toán phải đảm bảo tổng thời gian gián đoạn của toàn bộ hệ thống dịch vụ thanh toán không vượt quá 4 giờ trong một năm, đồng thời mỗi lần gián đoạn không được kéo dài quá 30 phút, trừ các trường hợp bất khả kháng hoặc bảo trì, nâng cấp hệ thống đã được thông báo trước tối thiểu 3 ngày.
Trong trường hợp phát sinh sự cố vượt quá thời gian giới hạn trên, đơn vị cung cấp dịch vụ có trách nhiệm báo cáo sự cố lên Ngân hàng Nhà nước trong vòng 4 giờ kể từ thời điểm xảy ra. Đồng thời, trong vòng 3 ngày làm việc kể từ khi khắc phục xong, tổ chức phải nộp báo cáo đầy đủ và chi tiết về sự cố.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua, nhiều phản ánh từ người dân cho thấy một số ngân hàng và tổ chức trung gian thanh toán thường xuyên gặp lỗi kỹ thuật trong các dịp cao điểm như lễ, Tết.
Các sự cố bao gồm: không thể đăng nhập ứng dụng, không thực hiện được giao dịch, không quét được mã QR, thậm chí có hiện tượng tài khoản đã bị trừ tiền nhưng bên nhận không nhận được giao dịch. Đáng chú ý, một số đơn vị không công bố thông tin sự cố kịp thời, xử lý chậm trễ hoặc tiến hành bảo trì mà không thông báo trước cho khách hàng.
Theo đánh giá từ cơ quan quản lý, việc bổ sung quy định về thời gian gián đoạn là cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi người sử dụng dịch vụ và nâng cao trách nhiệm vận hành của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
So với thông lệ quốc tế, quy định này được cho là phù hợp. Nhiều quốc gia như Singapore và Trung Quốc cũng giới hạn thời gian gián đoạn hệ thống thanh toán tối đa 4 giờ mỗi năm.
Một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) thậm chí áp dụng quy định nghiêm ngặt hơn: mỗi lần gián đoạn không được vượt quá 15 phút, đồng thời yêu cầu các tổ chức có kế hoạch dự phòng, hệ thống back-up để bảo đảm tính liên tục của dịch vụ. Việc giám sát được thực hiện định kỳ và vi phạm có thể bị xử phạt tài chính hoặc thu hồi giấy phép hoạt động.
Bên cạnh quy định về thời gian gián đoạn, Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất siết chặt việc sử dụng bí danh, biệt danh (alias, nickname) trong các giao dịch điện tử.
Thực tế cho thấy, nhiều đối tượng đã lợi dụng cơ chế đặt tên tài khoản theo bí danh để giả mạo tên thương hiệu, gây nhầm lẫn cho khách hàng và thực hiện hành vi lừa đảo. Đồng thời, việc hiển thị bí danh thay vì thông tin tài khoản đầy đủ cũng tiềm ẩn nguy cơ chuyển tiền nhầm lẫn.
Để khắc phục, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các lệnh thanh toán, đảm bảo thông tin về số hiệu và tên tài khoản thanh toán được thể hiện chính xác và đầy đủ trên chứng từ giao dịch.
TH