Đề xuất Hà Nội và TPHCM được tăng thêm không quá 15 phó giám đốc sở

Đề xuất Hà Nội và TPHCM được tăng thêm không quá 15 phó giám đốc sở
5 giờ trướcBài gốc
Theo dự thảo của Bộ Nội vụ, hai thành phố lớn nhất cả nước không được tăng thêm 15 phó giám đốc sở. Ảnh: VGP
Nhằm đảm bảo sự thống nhất và hiệu quả trong công tác quản lý hành chính nhà nước, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ dự thảo nghị định mới về việc tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và cấp huyện, được xây dựng trên cơ sở sự thay đổi của bộ máy hành chính Trung ương, TTXVN đưa tin.
Nghị định mới này tạo ra một khung pháp lý linh hoạt, giúp các cơ quan chuyên môn ở địa phương có thể điều chỉnh tổ chức bộ máy của mình cho phù hợp với tình hình thực tế. Việc giao quyền cho địa phương quyết định số lượng lãnh đạo các sở, phòng sẽ giúp tăng cường tính chủ động và trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Điểm mới đáng chú ý trong dự thảo nghị định là quy định cụ thể về số lượng phó giám đốc Sở cho từng loại tỉnh. Theo đó, tổng số lượng phó giám đốc sở theo quy định đối với cấp tỉnh loại 2 được tăng thêm không quá 7 phó giám đốc. Đối với cấp tỉnh loại 1 được tăng thêm không quá 10 phó giám đốc, đối với Hà Nội và TPHCM được tăng thêm không quá 15 phó giám đốc.
Dự thảo nghị định giao quyền cho tỉnh quyết định số lượng phó giám đốc sở cho phù hợp với nhu cầu thực tế. Đặc biệt, Hà Nội và TPHCM được phép tăng thêm phó trưởng phòng để đáp ứng khối lượng công việc lớn, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước tại các đô thị lớn.
Dự thảo cũng đề xuất sắp xếp lại các sở, giảm số lượng xuống còn 16. Trong đó, một số sở sẽ được giữ nguyên, một số sẽ được hợp nhất và một số sẽ được bổ sung chức năng, nhằm tạo ra một hệ thống bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương.
Sau quá trình sắp xếp, có tổng cộng 12 sở, ngành được tổ chức thống nhất và 6 sở mang tính đặc thù. Cụ thể, các sở, ngành được tổ chức thống nhất bao gồm sở nội vụ, tư pháp, tài chính, xây dựng, nông nghiệp và môi trường, khoa học và công nghệ, y tế, sở giáo dục và đào tạo, công thương, văn hóa - thể thao và du lịch, thanh tra và văn phòng UBND.
Có 5 sở được hợp nhất từ 10 sở, ngành theo mô hình Trung ương và 4 sở giữ nguyên, bổ sung nhiệm vụ. Trong đó, sở tài chính hợp nhất sở kế hoạch và đầu tư; sở xây dựng hợp nhất sở giao thông vận tải (không gồm chức năng sát hạch, cấp giấy phép lái xe); sở nông nghiệp và môi trường hợp nhất từ sở tài nguyên và môi trường với sở nông nghiệp; sở khoa học và công nghệ hợp nhất với sở thông tin và truyền thông, chuyển quản lý báo chí, xuất bản sang sở văn hóa; sở nội vụ hợp nhất với sở lao động, bổ sung quản lý lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội.
Các sở bổ sung nhiệm vụ gồm sở y tế sẽ quản lý bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội; sở giáo dục và đào tạo quản lý giáo dục nghề nghiệp; sở công thương tiếp nhận cục quản lý thị trường, tổ chức lại thành chi cục còn sở văn hóa, thể thao và du lịch quản lý báo chí, xuất bản.
Có 4 sở tổ chức đặc thù là sở dân tộc và tôn giáo, sở ngoại vụ, sở du lịch, và sở quy hoạch - kiến trúc. trong đó, sở dân tộc và tôn giáo được thành lập từ ban dân tộc, đồng thời tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về tín ngưỡng, tôn giáo từ sở nội vụ.
Theo Bộ Nội vụ, số lượng sở thuộc UBND cấp tỉnh không vượt quá khung tối đa quy định. Riêng Hà Nội và TPHCM được tổ chức tối đa 15 sở, chưa bao gồm các sở tăng thêm theo Luật Thủ đô và các sở thí điểm. Hai địa phương này có quyền quyết định việc thành lập, sáp nhập, chia tách, hoặc hợp nhất sở, đảm bảo phù hợp với đặc thù và không vượt quá số lượng quy định.
Đối với các tỉnh, thành phố khác, việc tổ chức, sắp xếp cơ quan chuyên môn được thực hiện dựa trên yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương, đảm bảo không quá 13 sở còn các tỉnh thuộc loại 1, nếu có lĩnh vực đặc thù, được tổ chức tối đa 14 sở.
Gia Nghi
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/de-xuat-ha-noi-va-tphcm-duoc-tang-them-khong-qua-15-pho-giam-doc-so/