Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trình bày tờ trình. Ảnh: Quốc hội.
Ngày 17/4, tại Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi.
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Nghị quyết có bố cục gồm 6 điều, quy định về thực hiện phổ cập giáo dục mầm non đối với trẻ em mẫu giáo và những chính sách để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non.
Trong đó, dự thảo Nghị quyết tập trung giải quyết 3 nhóm chính sách, cụ thể là: Ưu đãi đối với trẻ em mẫu giáo trong độ tuổi thực hiện phổ cập, đảm bảo tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được huy động đến cơ sở giáo dục mầm non để được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục theo Chương trình giáo dục mầm non; chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non.
Đáng chú ý, đối với nhóm chính sách ưu đãi cho trẻ trong độ tuổi mãu giáo, Chính phủ đề nghị bổ sung đối tượng chi phí học tập, bao gồm trẻ mẫu giáo đang học tại các trường mầm non dân lập, tư thục có cha/mẹ là công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.
Theo đó, những học sinh thuộc nhóm đối tượng này được đề xuất hỗ trợ 350.000 đồng, bao gồm 150.000 đồng học phí và 200.000 đồng ăn trưa mỗi tháng. Ước tính, khoản hỗ trợ này khoảng 1.062 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đề xuất hỗ trợ kinh phí tuyển dụng giáo viên mẫu giáo với hơn 2.800 tỷ đồng. Với kinh phí hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thực hiện phổ cập, số tiền là khoảng 3.200 tỷ đồng/năm và kinh phí đảm bảo cơ sở vật chất là hơn 91.00 tỷ đồng/năm.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định việc ban hành Nghị quyết trong bối cảnh hiện nay là rất cấp thiết và phù hợp với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 64/2025/QH15. Các chính sách đề xuất sẽ không trái, không chồng chéo, không mâu thuẫn với các luật hiện hành.
Bộ trưởng cũng nêu rõ dự thảo Nghị quyết không làm phát sinh thủ tục và chi phí thực hiện thủ tục hành chính; không có quy định ảnh hưởng đến việc bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh.
Hơn nữa, việc xây dựng Nghị quyết sẽ tạo hành lang pháp lý để huy động nguồn lực đầu tư đảm bảo các điều kiện thực hiện phổ cập giáo dục mẫu giáo; đảm bảo trẻ em mẫu giáo được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng; chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, ngôn ngữ và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để vào lớp 1, góp phần vào thực hiện quyền của trẻ em.
Trình bày ý kiến thẩm tra tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ các chính sách của Nghị quyết cần tập trung hướng tới mục tiêu hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, trong đó tập trung vào các nhóm chính sách lớn là bảo đảm đủ hệ thống trường, lớp học cho tất cả trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi; bố trí đủ giáo viên; đầu tư đủ trang thiết bị dạy học tối thiểu; bố trí đủ kinh phí vận hành hoạt động thường xuyên của cơ sở giáo dục mầm non khi thực hiện phổ cập.
Thái An