Ảnh minh họa.
Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự án Luật Dân số. Dự án Luật do Bộ Y tế xây dựng với mục tiêu khắc phục những bất cập trong công tác dân số hiện nay.
THÁCH THỨC MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH
Đề cập đến thực trạng dân số Việt Nam, Bộ Y tế cho biết mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm thấp dưới mức sinh thay thế, từ 2,11 con/phụ nữ (2021) xuống 2,01 con/phụ nữ (2022), 1,96 con/phụ nữ (2023) và 1,91 con/phụ nữ (2024) - thấp nhất trong lịch sử, và được dự báo là sẽ tiếp tục xuống thấp trong các năm tiếp theo.
Nếu mức sinh tiếp tục giảm, đến năm 2039 Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ dân số vàng, năm 2042 quy mô dân số trong độ tuổi lao động đạt đỉnh, và sau năm 2054 dân số sẽ bắt đầu tăng trưởng âm.
Theo Bộ Y tế, trong hai thập kỷ, mức sinh khu vực thành thị đã xuống dưới mức sinh thay thế, dao động quanh 1,7-1,8 con/phụ nữ, mức sinh khu vực nông thôn luôn cao hơn mức sinh thay thế, ở mức 2,2-2,3 con/phụ nữ, nhưng đến năm 2024 đã giảm dưới mức sinh thay thế là 2,08 con/phụ nữ.
Có 2/6 vùng kinh tế - xã hội có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế là Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; 2/6 vùng mức sinh có mức sinh cao trên mức sinh thay thế là Trung du miền núi phía Bắc, và Tây Nguyên.
Mức sinh khác biệt giữa các đối tượng theo trình độ học vấn và mức sống. Trong đó, mức sinh cao hơn ở nhóm phụ nữ nghèo và có trình độ học vấn thấp; mức sinh thấp hơn ở nhóm phụ nữ có thu nhập cao hơn và trình độ học vấn cao hơn.
Đáng chú ý, mất cân bằng giới tính khi sinh trở thành thách thức. Năm 2006, tỷ số giới tính khi sinh ở mức 109,8 bé trai/100 bé gái sinh ra sống - vượt ngưỡng cân bằng tự nhiên (103-107); năm 2015 là 112,8; năm 2024 là 111,4. Như vậy, tỷ số giới tính khi sinh luôn ở mức cao.
Dự báo, nếu tỷ số giới tính khi sinh vẫn giữ nguyên như hiện nay, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới 15 - 49 tuổi vào năm 2039. Con số này sẽ tăng lên 2,5 triệu vào năm 2059.
“Điều đó sẽ dẫn tới nguy cơ phá vỡ cấu trúc gia đình, một bộ phận nam giới sẽ phải kết hôn muộn, không có khả năng kết hôn, gia tăng tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em gái, mại dâm, bạo hành giới, tội phạm xuyên quốc gia...”, Bộ Y tế lo ngại.
Nguyên nhân của những thực trạng trên, theo Bộ Y tế là do điều kiện sống được cải thiện, học vấn nâng cao, khiến người trẻ, đặc biệt là phụ nữ tập trung phát triển sự nghiệp, tìm kiếm thu nhập cao hơn, kết hôn và sinh con muộn, sinh ít hoặc không sinh con.
Đáng chú ý, sức ép kinh tế đối với một gia đình trẻ như chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dưỡng và giáo dục con cái từ khi sinh ra đến khi trưởng thành ngày càng cao. Điều này khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ phải cân nhắc, chọn sinh con muộn, sinh ít con, hoặc không sinh con…
Bộ Y tế cho biết đối mặt với các vấn đề về dân số và phát triển cấp thiết, phải giải quyết như Việt Nam, các quốc gia trên thế giới đã ban hành các chính sách, pháp luật để giải quyết.
Cụ thể, về mức sinh, có 55 chính phủ có chính sách tăng mức sinh, 19 Chính phủ tập trung vào việc duy trì mức sinh hiện tại. Các nhóm biện pháp chính bao gồm:
(1) Cải thiện chế độ nghỉ thai sản, chế độ bố nghỉ chăm con, chế độ nghỉ phép không lương được bảo đảm công việc, thời giờ làm việc ngắn hơn hoặc bán thời gian; (2) Thưởng cho việc sinh con, ưu đãi thuế, trợ cấp tiền mặt hằng tháng cho trẻ em; hỗ trợ thuê nhà, mua nhà ở.
(3) Tăng tính sẵn có của dịch vụ chăm sóc trẻ em, hỗ trợ chi phí chăm sóc trẻ em; (4) Cải thiện hỗ trợ của nhà nước cho thụ tinh trong ống nghiệm, quy định bảo hiểm hiếm muộn, tăng tính sẵn có của dịch vụ thụ tinh trong ống nghiệm.
Bộ Y tế cũng dẫn chứng, theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), toàn cầu đã tính toán cứ 1 USD đầu tư cho sức khỏe bà mẹ có thể mang lại 8,4 USD lợi nhuận kinh tế vào năm 2050. Tương tự như vậy, cứ 1 USD đầu tư vào kế hoạch hóa gia đình, thì có thể mang lại 10,1 USD lợi nhuận kinh tế.
CẦN GIẢI PHÁP HỖ TRỢ ĐỒNG BỘ
Trước công tác dân số đang đặt ra nhiều thách thức, để duy trì mức sinh thay thế, Bộ Y tế đề xuất chính sách ưu đãi về chế độ nghỉ thai sản. Đó là nghỉ thêm 1 tháng ngoài thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Đồng thời, nghỉ thêm 5 ngày làm việc ngoài thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con.
Bộ Y tế đề xuất thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo nguồn nhân lực cho phát triển. Ảnh: Nhật Dương.
Về tài chính, chi hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc hiện vật khi phụ nữ sinh con, sinh đủ 2 con và sinh đủ 2 con trước 35 tuổi. Ngoài ra, là chi hỗ trợ sinh hoạt phí; mua hoặc thuê nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở; hỗ trợ chi phí ăn đối với trẻ em học mầm non; hỗ trợ cho phụ nữ mang thai, sinh con trong sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh.
Ngoài ra, để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, Bộ Y tế đề xuất đưa nội dung không trọng nam hơn nữ, không lựa chọn giới tính khi sinh vào hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.
Đồng thời, đình chỉ có thời hạn đối với người hành nghề y có hành vi công bố, thông báo, tiết lộ thông tin về giới tính thai nhi cho khách hàng, trừ trường hợp xác định giới tính phục vụ chẩn đoán và điều trị các bệnh di truyền liên quan đến giới tính theo quy định của Bộ Y tế.
Đặc biệt, cần ưu đãi tài chính về hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật cho những gia đình chỉ sinh hai con gái.
Bên cạnh đó, thực hiện chính sách thích ứng với quá trình già hóa dân số, Bộ Y tế đề nghị xây dựng và phát triển cơ sở hỗ trợ, chăm sóc người cao tuổi tại nhà, tại cộng đồng.
Cùng với đó, là chính sách cấp học bổng khuyến khích học tập cho người học chuyên ngành lão khoa có kết quả học tập, rèn luyện đủ điều kiện để cấp học bổng tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước.
Cấp học bổng chính sách cho người học chuyên ngành lão khoa là người đang làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Nhà nước hỗ trợ đối với người học chuyên ngành lão khoa và khuyến khích tổ chức, cá nhân cấp học bổng hoặc trợ cấp cho người học.
Nhằm nâng cao chất lượng dân số, Bộ Y tế đề xuất biện pháp thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; biện pháp sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh…
Dự thảo Luật Dân số dự kiến trình Chính phủ để trình Quốc hội có ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
Nhật Dương