ESG trong lĩnh vực ngân hàng không chỉ là tín dụng xanh
Tín dụng xanh được hiểu là khoản vay mà các tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay đối với các nhu cầu sản xuất - kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng không gây rủi ro đến môi trường và hệ sinh thái, góp phần bảo vệ hệ sinh thái chung.
Đây được coi là một trong các giải pháp tài chính hiệu quả để giải quyết các vấn đề môi trường xã hội. Tuy nhiên, tín dụng xanh chỉ là một phần của bức tranh lớn hơn về ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị).
Tại hội thảo gần đây, TS. Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ Agribank, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo ESG Ngân hàng Agribank - cho rằng, ESG không chỉ là tín dụng xanh, ngân hàng cần triển khai đồng bộ cả 3 trụ cột ESG để đạt được mục tiêu phát triển bền vững toàn diện.
Cụ thể, đối với trụ cột môi trường, cần đa dạng hóa các hoạt động thân thiện với môi trường ngoài việc tài trợ cho các dự án năng lượng sạch, triển khai các chương trình bảo vệ môi trường... Đối với trụ cột xã hội, cần chú trọng đến quan hệ lao động, bình đẳng giới, trách nhiệm cộng đồng, đầu tư vào giáo dục, y tế, phát triển bền vững. Đối với trụ cột quản trị, cần chú trọng đến duy trì minh bạch trong hoạt động, chống tham nhũng, quản lý rủi ro; đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan (cổ đông, nhân viên, khách hàng).
Tín dụng xanh chỉ là một phần của bức tranh lớn hơn về ESG. Ảnh: Nam Khánh
Đại diện Agribank cho rằng, việc tích hợp tiêu chuẩn ESG trong chiến lược kinh doanh của ngân hàng thương mại cần thể hiện ở một số điểm như: Quản trị danh tiếng ngân hàng, nâng cao vị thế và khả năng cạnh tranh, nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro và mở rộng thị trường và cơ hội kinh doanh, phát triển sản phẩm dịch vụ mới.
Với những hoạt động đã và đang triển khai, dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực xanh của Agribank tăng trưởng ổn định qua từng năm; tỷ trọng tài trợ dự án xanh trong tổng dư nợ tín dụng của Agribank tăng từ 0,9% năm 2020 lên 1,8% năm 2023 và duy trì đến quý II/2024.
Tính đến 30/6/2024, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh tại Agribank đạt 27.816 tỷ đồng, với 42.485 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đạt 15.330 tỷ đồng, chiếm 55% tổng dư nợ tín dụng xanh; tiếp đến là lĩnh vực lâm nghiệp bền vững đạt 6.805 tỷ đồng, chiếm 24,5% và lĩnh vực nông nghiệp xanh với dư nợ 5.540 tỷ đồng, chiếm 20%.
Xét về số lượng khách hàng vay vốn, lĩnh vực lâm nghiệp bền vững chiếm tỷ lệ cao nhất với 96% tổng số khách hàng (40.736 khách hàng). Tuy nhiên, các dự án cho vay với giá trị lớn chủ yếu lại thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.
Mới đây nhất, Agribank trở thành ngân hàng chủ lực thực hiện cấp tín dụng cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL, với nguồn vốn cam kết 30.000 tỷ đồng.
Đề xuất “hoán đổi nợ lấy khí hậu”
Bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Quốc tế, Ngân hàng SHB - cho biết, hiện tỷ trọng dư nợ cấp tín dụng cho lĩnh vực xanh của SHB chiếm gần 10% tổng dư nợ. Ngoài ra, SHB cũng áp dụng các biện pháp quản trị doanh nghiệp minh bạch và có trách nhiệm theo các tiêu chuẩn, thông lệ tốt nhất, nhằm đảm bảo tính bền vững trong mọi hoạt động của ngân hàng.
Theo đó, ngân hàng ưu tiên cấp tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và là động lực cho sự phát triển kinh tế như: nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án xanh, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, các dự án nhà ở xã hội, xây dựng hạ tầng phát triển kinh tế, sinh kế tại địa phương.
Theo bà Nguyễn Thúy Hạnh - Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp và Đầu tư, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam - ESG và phát triển bền vững không chỉ là những ưu tiên mà còn nằm trong mục tiêu chiến lược phát triển của ngân hàng.
“Chúng tôi cam kết mở rộng quy mô và phạm vi của chương trình tài chính bền vững, với kế hoạch huy động 300 tỷ USD tài chính bền vững vào cuối thập kỷ này. Ngân hàng đặt mục tiêu đạt mức thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và trong các hoạt động của ngân hàng vào năm 2025”, bà Thúy Hạnh nói.
Để triển khai hiệu quả ESG và chiến lược ngân hàng xanh, đại diện Agribank đề xuất một số kiến nghị. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan ban ngành sớm xây dựng và đề xuất Chính phủ ban hành bộ tiêu chí môi trường và các tiêu chí xác định đối với các dự án được cấp tín dụng xanh để các TCTD có cơ sở pháp lý và kỹ thuật trong việc xác định các dự án, hạng mục dự án đáp ứng điều kiện tín dụng xanh.
Đáng chú ý, bà Nguyễn Thị Thu Hà đề xuất Chính phủ có thể nghiên cứu mô hình của Barbados là “Hoán đổi nợ lấy khí hậu”, làm thay đổi sự hợp tác công - tư trong triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đây là một phương pháp tiếp cận sáng tạo nhằm khai thác tài chính tư nhân thông qua chuyển đổi nợ vì khí hậu. Cơ chế Chuyển đổi nợ vì khí hậu là Chính phủ cần đàm phán với các chủ nợ quốc tế điều chỉnh lại các điều khoản thanh toán, thời gian trả nợ và lãi suất để tài trợ cho các dự án khí hậu, thay vì dùng trả cho các chủ nợ.
Tuân Nguyễn