Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội ngày 13/5. Ảnh: VPQH cung cấp
Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, ngày 13/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội vềkéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 ngày 11/11/2016 và Nghị quyết số 107/2020/QH14 ngày 10/6/2020 của Quốc hội.
Hỗ trợ trực tiếp người nông dân, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc tiếp tục miễn thuế SDĐNN nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Việc miễn thuế SDĐNN còn thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, đồng thời hỗ trợ đối với nông dân, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN được thực hiện từ năm 2001 đến nay.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, tổng kết, đánh giá 20 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN cho thấy, tổng số thuế SDĐNN miễn, giảm giai đoạn 2001-2010 trung bình khoảng 3.268,5 tỉ đồng/năm;
Giai đoạn từ 2011-2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỉ đồng/năm; giai đoạn 2017-2020 khoảng 7.438,5 tỉ đồng/năm; giai đoạn 2021-2023 trung bình khoảng 7.500 tỉ đồng/năm.
Chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN là giải pháp có tác động lớn, quan trọng góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong từng thời kỳ; góp phần hỗ trợ trực tiếp người nông dân, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Khuyến khích tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nông dân, tạo việc làm cho khu vực nông thôn, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, việc tiếp tục thực hiện miễn thuế SDĐNN như quy định hiện hành là cần thiết xuất phát từ các lý do:
Thứ nhất, tiếp tục khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Thứ hai, tiếp tục góp phần bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và ổn định kinh tế - xã hội thông qua đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa, chuyên canh hóa tập trung, quy mô lớn.
Thứ ba, tiếp tục góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và xu hướng bảo hộ mậu dịch của các nước trên thế giới.
Thứ tư, tiếp tục hỗ trợ tạo công ăn việc làm cho khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập của người nông dân, góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Thứ năm, đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam và thông lệ quốc tế về hỗ trợ, khuyến khích phát triển ngành nông nghiệp.
Cần đánh giá định kỳ về hiệu quả của chính sách miễn thuế
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính (KTTC) Phan Văn Mãi cho rằng, chính sách thuế SDĐNN được thực hiện theo quy định của Luật Thuế SDĐNN ban hành từ năm 1993.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày báo cáo thẩm tra.
Thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, đồng thời hỗ trợ nông dân, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, từ năm 2001 đến nay, Quốc hội đã ban hành nhiều Nghị quyết miễn, giảm thuế SDĐNN theo hướng mở rộng đối tượng ưu đãi miễn, giảm theo từng thời kỳ.
Theo đó, đến hết ngày 31/12/2025, hầu hết các đối tượng là hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp đều được miễn thuế SDĐNN và chỉ loại trừ, không áp dụng miễn thuế đối với phần diện tích đất nông nghiệp Nhà nước giao cho tổ chức quản lý nhưng không trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà giao cho tổ chức, cá nhân khác sản xuất.
Qua hơn 30 năm ban hành Luật Thuế SDĐNN, chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN đã được thực hiện trong một thời gian dài thông qua các Nghị quyết của Quốc hội ban hành ngoài phạm vi của Luật.
Điều này thể hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc ưu tiên hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn qua các thời kỳ. Các thành phần kinh tế cũng đã quen với việc miễn hoàn toàn thuế SDĐNN trong thời gian dài vừa qua.
Các đại biểu tham dự phiên họp.
Vì vậy, để tránh tạo thêm chi phí cho sản xuất nông nghiệp so với chính sách hiện hành đang áp dụng, trong điều kiện sản xuất, kinh doanh còn khó khăn hiện nay, đa số ý kiến trong Ủy ban KTTC thống nhất về sự cần thiết kéo dài chính sách miễn thuế SDĐNN trong giai đoạn tới như đề xuất của Chính phủ.
Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất của Chính phủ về việc tiếp tục kéo dài các Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế SDĐNN (được ban hành từ năm 2010 đến nay) mà không đưa ra các chính sách mới, phù hợp hơn với thực tế của giai đoạn hiện nay, cũng như chưa có chính sách cụ thể khắc phục tình trạng đất nông nghiệp bỏ hoang hóa, sử dụng sai mục đích, chưa thực hiện được mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thúc đẩy tích tụ đất đai, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn,... theo yêu cầu tại các Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị.
Ủy ban KTTC thống nhất với đề nghị của Chính phủ về việc trình Quốc hội xem xét, quyết định về Nghị quyết của Quốc hội để kéo dài thời gian thực hiện miễn thuế SDĐNN theo quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12, Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH15 đến hết ngày 31/12/2030.
Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cân nhắc việc không miễn thuế SDĐNN đối với các trường hợp đất để hoang hóa, sử dụng không đúng mục đích phục vụ cho nông nghiệp. Đồng thời, thực hiện đánh giá định kỳ về hiệu quả của chính sách miễn thuế SDĐNN từ các góc độ về tác động đến kinh tế nông nghiệp, đời sống nông dân và hiệu quả sử dụng đất…
Minh Khôi