Chế biến tôm xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)
Để tăng sức cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm tôm trong năm 2025, các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục nỗ lực hơn nữa, tạo xung lực mạnh mẽ trong mở rộng, tiếp cận thị trường mới; nghiên cứu cho ra sản phẩm mới để giữ vững thị trường hiện có.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành chế biến xuất khẩu tôm cũng cần nhiều động lực mới về nguồn vốn, cũng như trình độ kỹ thuật để giữ được vị thế như những năm qua.
Cần nhiều động lực
Nhìn lại hành trình của con tôm Việt Nam, trong năm 2024 tôm Việt đã đối mặt với nhiều thách thức cạnh tranh, biến động thị trường. Tuy nhiên, đây là một ngành hàng thực phẩm mang tính thiết yếu nên cũng đã nhanh chóng vượt qua được nhiều biến động đó.
Theo bà Phùng Thị Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, thời gian qua đã có giai đoạn giá tôm chạm đáy so với các năm, đã khiến nhiều hộ nuôi phải cầm chừng hoặc thậm chí “treo ao.”
Chế biến tôm xuất khẩu. (Nguồn: Vietnam+)
Trong khi giá tôm giảm mạnh, chi phí thức ăn lại tăng, nông dân rơi vào tình trạng nuôi tôm không có lãi hoặc thua lỗ.
Đặc biệt, nửa đầu năm 2024, giá tôm tiếp tục lao dốc ở hầu hết các kích cỡ, đúng vào thời điểm cao điểm thả giống của người nuôi tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Vì vậy, lĩnh vực nuôi tôm cần được tạo động lực như người nuôi có thể được thế chấp, vay vốn ngân hàng một cách bình thường, cấp giấy phép mặt nước cho người dân để người dân có thể vay vốn từ các quỹ hoặc ngân hàng, kiểm tra chặt hơn việc lưu thông, tiêu thụ tôm giống kém chất lượng.
Tuy nhiên, dù chịu nhiều tác động nhưng hoạt động chế biến và xuất khẩu tôm vẫn duy trì được mức tăng trưởng. Điển hình như xuất khẩu tôm sang Nhật Bản vẫn ổn định, các thị trường như Nga, Canada, Australia, Anh, Đài Loan (Trung Quốc) vẫn duy trì nhập khẩu tôm Việt Nam, thị trường Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc tăng vọt nhập khẩu tôm Việt trong những tháng tháng cuối năm 2024.
Điều đó cho thấy, nhu cầu tiêu dùng tôm Việt của khách hàng thế giới vẫn giữ được đà ưu tiên.
Để có thể tiếp tục hướng phát triển ổn định này, ngành hàng tôm Việt Nam rất cần nhiều động lực mới, bởi sự cạnh tranh của thị trường thế giới ngày càng gay gắt.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư kí Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, muốn ngành hàng tôm phát triển ổn định, hiệp hội đã đề xuất Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương tập trung các hoạt động ngoại giao kinh tế, đàm phán song phương và xúc tiến thương mại có mục tiêu tại các thị trường quan trọng để khơi thông lợi thế cho xuất khẩu tôm Việt Nam.
Thị trường Nhật Bản nhập khẩu nhiều nhất tôm từ Việt Nam trong năm 2024, nhưng có thể sẽ bị tôm Indonesia soán ngôi đầu do Indonesia bị áp thuế cao ở Mỹ và sẽ tìm cách chuyển đổi qua Nhật Bản.
Vì vậy, các doanh nghiệp ngành hàng tôm phải nỗ lực nhiều để giữ được thị trường này, cùng với các chính sách thương mại mà Bộ Công Thương đưa ra để tạo điều kiện cho ngành hàng tôm.
Tại thị trường Hàn Quốc, Hiệp hội Chế biến xuất và khẩu thủy sản Việt Nam cũng kiến nghị Bộ Công Thương thúc đẩy việc đàm phán với Hàn Quốc để bãi bỏ hạn ngạch đối với tôm Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc trong khuôn khổ Hiệp định VKFTA nhằm điều chỉnh thuế suất về 0% cho tôm Việt Nam.
Dù phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm qua, ngành tôm Việt Nam vẫn kiên cường vượt qua khó khăn nhờ nỗ lực và quyết tâm, cùng với các chiến lược hợp lý.
Trong thời gian tới, ngành tôm cần chuyển đổi tư duy: thay vì chỉ chú trọng vào sản lượng và công nghệ cao, cần ưu tiên bền vững và hiệu quả, tập trung vào chất lượng, bảo vệ môi trường, sức khỏe và giá trị sản phẩm.
Chắt chiu cơ hội
Truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm, phúc lợi động vật, sản xuất xanh… là những quy định mà thị trường nhập khẩu lớn yêu cầu ngành hàng tôm phải đạt được nếu muốn giữ vững vị thế.
Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, mặc dù kim ngạch xuất khẩu tôm 2024 đạt mục tiêu nhưng không ít doanh nghiệp và người nuôi tôm vui mừng vì điều này.
Ngư dân thị xã Sông Cầu (Phú Yên) khai thác tôm hùm giống. Ảnh: Tường Quân - TTXVN
Bởi cho đến thời điểm này, vẫn còn rất nhiều hộ nuôi tôm nhỏ lẻ và vấn đề giá thành nuôi tôm cao. Để hóa giải vấn đề giá thành thì chỉ có hoạt động nuôi tôm quy mô lớn cùng giải pháp kỹ thuật tiên tiến mới giảm được rủi ro, tăng năng suất, giảm giá thành và dễ dàng truy xuất nguồn gốc.
Chính vì sự cạnh tranh về giá thành đã tác động mạnh đến con tôm Việt Nam, nên con tôm Việt Nam không thể có những cơ hội bứt phá. Tuy nhiên, con tôm Việt vẫn có cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do ưu tiên về thuế khi vào các thị trường kí hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.
Ông Hồ Quốc Lực nhấn mạnh nhờ các Hiệp định thương mại tự do và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp thủy sản, con tôm Việt Nam hiện chiếm vị trí hàng đầu tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, đứng thứ 2 tại thị trường châu Âu.
Hiệp định thương mại tự do trở thành bệ đỡ cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam khi con tôm Việt đứng đầu tại thị trường Australia với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.
Ngành hàng tôm cũng đang chắt chiu các cơ hội hợp tác thương mại để giữ vững vị thế trên thị trường thế giới, nhất là sắp tới, sau khi hiệp định CEPA ký kết với UAE có hiệu lực, các sản phẩm Halal của Việt Nam có thêm cơ hội lớn thâm nhập thị trường Trung Đông rộng lớn. Từ đó, các hiệp định thương mại tự do giúp củng cố thêm cho vị thế của con tôm Việt Nam.
Bên cạnh việc tận dụng các lợi thế hiệp định thương mại tự do, ngành tôm Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp chế biến tôm cũng tập trung vào giải pháp kiểm soát, hạn chế, hướng đến trung hòa khí thải trong chuỗi giá trị sản xuất tôm xuất khẩu, ông Hồ Quốc Lực nhấn mạnh.
Hiện tôm Việt Nam đang bước vào vụ mới năm 2025, cả doanh nghiệp và người nuôi tôm chỉ mong thời tiết ôn hòa, con tôm nước lợ đạt năng suất và chất lượng cao thì con tôm mang về giá trị như kỳ vọng.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến cuối năm 2024, diện tích tôm nước lợ cả nước ước đạt hơn 700.000 ha, sản lượng ước đạt 1,2 triệu tấn.
Dự kiến, năm 2025, diện tích nuôi tôm nước lợ sẽ đạt 750.000 ha, tăng 1,8% và sản lượng đạt 1,29 triệu tấn, tăng 2% so với năm trước đó./.
(TTXVN/Vietnam+)