Đề xuất không dạy thêm sau 20 giờ: Học sinh và phụ huynh nói gì?

Đề xuất không dạy thêm sau 20 giờ: Học sinh và phụ huynh nói gì?
6 giờ trướcBài gốc
Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết Sở đang lấy ý kiến về việc không dạy thêmsau 20 giờ.
Học thêm quá trễ khiến HS mệt mỏi
"Sở tính toán sau khi học sinh (HS) tan trường (16-17 giờ), các em cần có thời gian thoải mái di chuyển về nhà, ăn uống, rồi đến trung tâm học thêm nếu có nhu cầu. Nhiều em đã học 2 buổi ở trường, do đó việc học thêm nên hoàn thành trước 20 giờ để HS có thể nghỉ ngơi, trò chuyện cùng bố mẹ, ông bà" - ông Minh nói.
Phụ huynh chờ đón con tại một trung tâm dạy thêm ở TP Thủ Đức. Ảnh: HẢI NHI
Chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10, Minh Phương, học sinh (HS) lớp 9 tại một trường THCS ở quận Gò Vấp có lịch học thêm dày đặc từ đầu tuần đến cuối tuần.
"Ban ngày em học 2 buổi trên trường. Đến chiều em ăn tạm món gì đó mua trên đường rồi vội tới lớp học thêm đến hơn 20 giờ mới tan. Về nhà em còn phải giải quyết nhiều bài tập. Nhiều lúc em thấy rất mệt, nhưng sắp thi nên phải cố" - Phương bày tỏ và cho hay khi nghe TP.HCM đề xuất sẽ không cho dạy thêm sau 20 giờ, em hoàn toàn ủng hộ.
Lê Việt, HS lớp 11 Trường THPT Thủ Đức, TP Thủ Đức cũng đồng ý với đề xuất trên. "Khi việc học thêm kết thúc sớm, tụi em cũng như giáo viên đều có thời gian cho bản thân, gia đình và chuẩn bị bài cho ngày mai" - Việt tâm sự.
Ở góc độ phụ huynh, chị Thảo An, TP Thủ Đức, cho rằng đề xuất không dạy thêm sau 20 giờ là hợp lý. HS đã học từ sáng đến chiều ở trường, việc học thêm bên ngoài cần kết thúc sớm để các em nghỉ ngơi.
Còn chị Lệ Hằng, quận 1, có 2 con học lớp 4 và lớp 7 cho biết đề xuất không dạy thêm sau 20 giờ phù hợp. Bởi sau thời gian trên, theo các nghiên cứu, các con cần được nghỉ ngơi để chuẩn bị cho buổi học tiếp theo.
"Với gia đình tôi, sau 20 giờ 30 các con đã lên giường để chuẩn bị đi ngủ. Đến thời điểm này, con không đi học thêm ở ngoài. Các con chỉ học ở trường và tự học ở nhà. Riêng cuối tuần, 2 bé có tham gia các hoạt động thể dục thể thao" - chị Hằng tâm sự.
Đề xuất hợp lý cho cả HS và giáo viên
"Đề xuất không dạy thêm sau 20 giờ rất phù hợp, bởi HS hiện nay có quá ít thời gian vui chơi" - thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, nói.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, trong 1 hoạt động chuyên đề. Ảnh minh họa: NGUYỄN QUYÊN
Theo thầy Bảo, Trường THCS Nguyễn Du là trường tổ chức học 2 buổi/ngày. 7 giờ sáng, các em đã có mặt ở trường và học cả ngày. Sau khi kết thúc giờ học chính khóa, nhiều em tới lớp học thêm. Có những em, một buổi tối phải học thêm 2 môn. Khi về nhà, ngoài vệ sinh cá nhân, ăn uống, các em tiếp tục phải làm bài tập đến khuya.
Một ngày trôi qua rất áp lực với các em. Các em không có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, tập luyện thể thao, tham gia các câu lạc bộ... gây ra tình trạng quá tải trong học tập, nhiều em chán nản, có những em "buông xuôi". Cho nên quy định không dạy thêm sau 20 giờ là hợp lý, dễ thở với HS" - thầy Bảo nói
Không dạy thêm sau 20 giờ thực tế chỉ là điều chỉnh về mặt thời gian, còn áp lực học tập vẫn không thay đổi. Nhưng ít ra các em sẽ được về sớm hơn một chút, có thêm thời gian nghỉ ngơi. (Thầy Võ Kim Bảo)
Hiện đa số giáo viên đều dạy thêm sau 20 giờ vì đã được bố trí ca sẵn, nhiều trung tâm tổ chức dạy thêm đến 21 giờ vì có những ca bắt đầu từ 19 giờ 30. "Do đó, nếu đề xuất trên được thông qua, giáo viên sẽ giảm ca dạy hoặc có thể tổ chức học thêm sớm một chút" - thầy Bảo nói.
Ở góc độ quản lý, ông Đinh Phú Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Luông, quận 6, đồng tình với đề xuất trên của Sở GD&ĐT TP.HCM.
"Tôi có trao đổi với giáo viên, đa số ủng hộ. Nhiều người tham gia dạy thêm ở trung tâm cho biết chỉ dạy đến 19 giờ, sau thời gian trên họ cũng cần dành thời gian cho gia đình. Với HS, các em đã quá mệt khi phải học ở trường nên cũng cần nghỉ sớm." - ông Cường chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Thanh Trà, Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục và đào tạo TH tại quận Gò Vấp, cho hay đề xuất dạy thêm kết thúc trước 20 giờ không ảnh hưởng đến hoạt động của trung tâm.
"Tại trung tâm, lớp học ca tối trong tuần bắt đầu lúc 18 giờ và kéo dài đến 19 giờ 30. Thời gian trên phù hợp để các em tan học ở trường, có thời gian ăn uống, nghỉ ngơi và lên lớp học thêm. Sau đó, các em cũng có thời gian ôn tập bài trên lớp, dành thời gian cho các hoạt động giải trí khác" - chị Trà nói.
Ngoài ra, trung tâm cũng ưu tiên sắp xếp lịch học cho các em dưới 18 tuổi vào cuối tuần nhằm đảm bảo thời gian nghỉ ngơi cho các em sau giờ học.
Tuy nhiên, theo chị Trà, một số phụ huynh đề xuất được học trễ hơn vì lý do cá nhân. "Đơn cử, trung tâm có học viên từ huyện Hóc Môn đến học, gia đình mong muốn được bắt đầu ca học sau 19 giờ để kịp ăn uống và di chuyển. Chúng tôi đã linh hoạt hỗ trợ và ưu tiên cho con trong một khoảng thời gian nhất định, tránh tình trạng kéo dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và hiệu quả học tập của em này" - chị Trà nói.
Còn đối với học viên là người đi làm, một số tan ca lúc 18 giờ, khoảng cách và việc di chuyển cũng cần thêm thời gian. Do đó học viên luôn mong muốn được bắt đầu ca học trong khoảng thời gian từ 19 giờ hoặc 19 giờ 30.
"Thực tế trên cho thấy, việc sắp xếp ca học xuất phát từ nhu cầu và mong muốn, nhu cầu của phụ huynh. Do đó trung tâm cũng cân nhắc để làm sao phù hợp nhất" - chị Trà nói thêm.
Tuy nhiên, có một vấn đề là hiện nay chương trình học quá nặng, việc thi cử quá căng thẳng đối với học sinh cuối cấp, việc học khó có thể kết thúc trước 20 giờ.
"Do đó, vẫn có trường hợp kéo dài việc học thêm sau 20 giờ, nhất là với những học sinh cuối cấp 2, cấp 3. Vấn đề là phía gia đình thu xếp hợp lý với điều kiện của mình. Có trường hợp HS không đi học thêm trực tiếp nhưng có thể tự học ở nhà và học thêm online sau 20 giờ cũng hợp lý. Do vậy, tôi mong là có một quy định phù hợp với thực tế, không nên quá cứng nhắc" - một phụ huynh nêu ý kiến.
Sau 20 giờ não bộ cần được nghỉ ngơi
Không chỉ HS mà ngay cả người lớn, sau 20 giờ não bộ đã đi vào tình trạng mong muốn phục hồi sau một ngày phải tiếp nhận xử lý hàng loạt thông tin. Do đó, nếu phải tiếp tục hoạt động sẽ dẫn đến tình trạng quá tải, bội thực thông tin. Vì thế đề xuất này không dạy thêm sau 20 giờ là hợp lý.
Sau 20 giờ, việc học sẽ không còn hiệu quả, đây nên là khoảng thời gian để các em nghỉ ngơi.
Hiện nhiều em phải đi học cả ngày, tối lại đi học đến 20-21 giờ, về nhà còn phải ôn bài, học bài, làm bài tập. Một vòng luẩn quẩn vô tình tạo ra áp lực cho các em.
Việc học thêm nhiều khi do bố mẹ yêu cầu chứ không phải là mong đợi của các con. Do đó, để vui lòng bố mẹ, các em cố học, nhưng càng cố càng tạo thêm áp lực. Điều này kéo dài khiến các em căng thẳng, trì trệ, stress.
Trong nhiều buổi nói chuyện, tôi vẫn luôn nói với HS, có thể cả buổi tối các con không cần làm gì chỉ xem phim, đọc sách nhẹ nhàng, tiếp thu kiến thức con thích chứ không phải là đi ôn văn hóa. Sau đó, các con có thể bắt đầu một buổi sáng từ lúc 5 giờ sáng. Bởi đây là giai đoạn não bộ đã cân bằng, hồi phục đủ tốt để tiếp nhận những thông tin mới.
ThS LÊ MINH HUÂN, nguyên giảng viên khoa Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM
NGUYỄN QUYÊN
Nguồn PLO : https://plo.vn/de-xuat-khong-day-them-sau-20-gio-hoc-sinh-va-phu-huynh-noi-gi-post844540.html