Trình Quốc hội xem xét "siết" quảng cáo của nghệ sĩ, KOL trên mạng xã hội. Ảnh minh họa
Sáng 8/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Dự luật sửa đổi, bổ sung về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo và một số vấn đề được dư luận quan tâm. Đáng chú ý là những điều luật bổ sung quy định kiểm soát hoạt động quảng cáo sản phẩm của người nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng.
Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường bùng nổ với các hoạt động thương mại điện tử, những người có tầm ảnh hưởng thường tận dụng khả năng để kinh doanh khai thác lợi nhuận. Cơ quan chức năng đang dần “siết” những quy định về quảng cáo nhằm đảm bảo rằng các sản phẩm được người có tầm ảnh hưởng quảng cáo thực sự mang lại hiệu quả như những gì họ đã chia sẻ.
Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo là nhằm tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo phát triển; bảo đảm tính phù hợp, đồng bộ, không chồng chéo với hệ thống pháp luật khác có liên quan; nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo, năng lực doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo.
Theo đó, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có trách nhiệm cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung quảng cáo, doanh thu, tên sản phẩm, số lượng của từng sản phẩm phát sinh từ hoạt động quảng cáo định kỳ theo yêu cầu của cơ quan thuế, hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
Đặc biệt, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng phải thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình đang quảng cáo.
Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội, họ phải đã trực tiếp sử dụng sản phẩm.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đặc biệt nhấn mạnh, luật sẽ bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo và yêu cầu trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng theo quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng.
Ngoài ra, dự thảo luật sửa đổi quy định về hoạt động quảng cáo trên báo in. Theo đó, diện tích quảng cáo trên báo in không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo và phải có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác.
Trình bày nội dung thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo năm 2012. Đồng thời Ủy ban tán thành với chủ trương cần có quy định cụ thể, rõ ràng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, trong đó có người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng.
Tuy nhiên Ủy ban cho rằng dự luật chưa có sự tách biệt rõ ràng về trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng và người chuyển tải sản phẩm quảng cáo nói chung. Dẫn đến chưa phù hợp với một số nhóm đối tượng chuyển tải sản phẩm quảng cáo.
Dự luật chưa quy định cụ thể cơ chế xác nhận đối với người chuyển tải là người có ảnh hưởng "đã trực tiếp sử dụng sản phẩm" khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội cũng như chế tài xử lý.
Do vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, có hướng dẫn cụ thể về cách thức và hình thức thông báo trước cho người tiêu dùng về việc người có ảnh hưởng đang thực hiện hoạt động quảng cáo; đồng thời phân định cụ thể vị trí, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo trên mạng, trên cơ sở đó, có quy định phù hợp với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, nhất là người có ảnh hưởng trên mạng.
Người có sức ảnh hưởng là những cá nhân có lượng người theo dõi lớn hoặc tương tác cao trên mạng xã hội. Hiện nay, nhắc đến người có ảnh hưởng trên các nền tảng xã hội, người tiêu dùng thường nghĩ ngay đến các khái niệm KOL, KOC.
KOL là chuyên gia có mức độ ảnh hưởng đáng kể đến cộng đồng nhờ kiến thức chuyên môn sâu rộng trong lĩnh vực, ngành nghề mà họ hoạt động. KOL là viết tắt của Key Opinion Leader - người dẫn dắt tư tưởng. KOL có thể là những chuyên gia, ngôi sao nổi tiếng, nhà báo, doanh nhân, chính trị gia, nhà khoa học hoặc người sử dụng sản phẩm có kinh nghiệm trong lĩnh vực đó. KOL thường được các thương hiệu tìm đến để quảng bá sản phẩm/ dịch vụ, tăng cường uy tín và xây dựng sự tin tưởng của khách hàng đối với thương hiệu.
KOC là những người tiêu dùng chủ chốt, có sức ảnh hưởng lớn đến thị trường. Công việc chính của KOC là trực tiếp trải nghiệm những sản phẩm, dịch vụ và đưa ra những nhận xét, đánh giá chủ yếu theo quan điểm cá nhân. Với những trải nghiệm chân thật này đã tạo được sự tin tưởng lớn từ khách hàng.
Các hoạt động của KOL và KOC có thể bao gồm viết blog, đăng ảnh hoặc video trên mạng xã hội, tham gia các sự kiện. Ngày nay, với sự phát triển bùng nổ của công nghệ, kỹ thuật, KOL và KOC càng hoạt động sôi nổi hơn trên lĩnh vực trực tuyến.
Như Mai