Chuyên gia đề xuất xây tuyến metro nhanh giữa hai sân bay lớn ở phía Nam để rút ngắn thời gian trung chuyển. Ảnh: ACV.
Dù chỉ cách nhau 40 km, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất (TP.HCM) và Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) hiện chưa có kết nối hạ tầng hiệu quả. Trong khi đó, dự báo đến năm 2030 sẽ có khoảng 5-7,5 triệu hành khách mỗi năm cần di chuyển giữa hai sân bay.
Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), thời gian di chuyển bằng đường bộ giữa hai sân bay hiện nay mất 60-90 phút, nhưng trong điều kiện giao thông bất lợi, thời gian có thể kéo dài đến 5 tiếng. Điều này đặt ra rào cản lớn cho khả năng phối hợp khai thác giữa hai sân bay, đặc biệt với các chuyến bay nối chuyến.
Đề xuất tuyến metro nhanh nối Long Thành - Tân Sơn Nhất
Ông Nguyễn Đình Nên, chuyên gia cao cấp về quy hoạch giao thông tại Công ty Tư vấn Quốc tế enCity, cho biết vai trò của hai sân bay đã được xác định rõ. Trong đó, sân bay Tân Sơn Nhất tiếp tục là đầu mối chính cho các chuyến bay nội địa và một số tuyến quốc tế gần, còn sân bay Long Thành với giai đoạn 1 dự kiến đi vào vận hành từ năm 2026 sẽ tập trung vào các đường bay quốc tế dài hơn.
Ông Nên cho biết việc nhà ga T3 của Tân Sơn Nhất vừa hoàn thành giúp sân bay này có thể phục vụ tới 50 triệu lượt khách mỗi năm, trong khi cảng hàng không Long Thành sẽ bắt đầu với 25 triệu lượt/năm và hướng tới mốc 100 triệu lượt khách vào năm 2050.
Với sự phân vai rõ ràng, nhu cầu trung chuyển giữa hai sân bay là một yếu tố vận hành cốt lõi. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào mạng lưới đường bộ hiện tại, việc phối hợp khai thác giữa hai sân bay sẽ không thể hiệu quả. Để giải bài toán này, ông Nên cho rằng cần đầu tư vào phương tiện công cộng tốc độ cao, trong đó giải pháp khả thi và tiết kiệm nhất là phát triển một tuyến metro nhanh kết nối trực tiếp Tân Sơn Nhất và Long Thành.
Theo ông Nên, khi mạng lưới đường sắt đô thị của TP.HCM hoàn thiện, hành khách có thể trung chuyển giữa hai sân bay thông qua kết nối giữa tuyến đường sắt Long Thành - Thủ Thiêm và tuyến metro số 6 tại nhà ga Phú Hữu.
Tuyến này sẽ có chiều dài hành trình khoảng 50 km, thời gian di chuyển ước tính 60-70 phút, bao gồm cả thời gian trung chuyển. Tuy nhiên, để rút ngắn thời gian hơn nữa, nhóm tư vấn của enCity - trong vai trò thành viên liên danh thực hiện đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 - đã đề xuất bổ sung đoạn nối ray giữa tuyến metro số 6 và tuyến đường sắt Long Thành - Thủ Thiêm tại khu vực nút giao Phú Hữu, nhằm tận dụng đường ray 2 tuyến này để vận hành dịch vụ tàu kết nối trực tiếp hai sân bay.
"Nếu áp dụng phương thức skip-stop, tức tàu nhanh không dừng tại tất cả các ga, thời gian di chuyển giữa 2 sân bay sẽ được rút ngắn chỉ còn 30-40 phút", ông Nên nhấn mạnh.
Sơ đồ tuyến metro nhanh, tận dụng hạ tầng metro số 6 và đường sắt Long Thành - Thủ Thiêm. Ảnh: enCity.
Học từ mô hình quốc tế, tận dụng hạ tầng sẵn có
Dù khác biệt về quy mô đầu tư, vị chuyên gia cho rằng mô hình metro nhanh này vẫn có thể học hỏi từ các tuyến tàu sân bay quốc tế đã vận hành hiệu quả, như AREX (Hàn Quốc). Đặc biệt, Việt Nam có thể áp dụng cách tiếp cận tiết kiệm bằng cách vận hành tàu nhanh và tàu thường song song trên cùng tuyến, thay vì xây dựng tuyến đường sắt kép hoàn toàn mới.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy giải pháp tàu nhanh không chỉ giúp rút ngắn thời gian kết nối mà còn tăng tính linh hoạt, giảm áp lực hạ tầng và nâng cao năng lực cạnh tranh vùng. Ông Nên dẫn ví dụ từ Hàn Quốc, nơi tuyến AREX kết nối sân bay quốc tế Incheon và sân bay nội địa Gimpo chỉ trong 20 phút (một nửa thời gian so với ôtô) và phục vụ tới 180.000 lượt khách mỗi ngày.
Còn tại Trung Quốc, tuyến Airport Link Line nối sân bay Pudong và Hongqiao đã giúp giảm thời gian di chuyển từ 90 phút xuống còn dưới 40 phút, nhờ thiết kế tốc độ lên đến 160 km/h.
Để vận hành metro nhanh hiệu quả, ông cho rằng TP cần chuẩn bị đồng bộ về hạ tầng và công nghệ.
Đơn cử, một số nhà ga cần bố trí làn tránh để tàu nhanh vượt tàu thường. Hệ thống biển báo, thông tin và ứng dụng tích hợp cũng phải rõ ràng, dễ hiểu để hành khách không bị nhầm lẫn đón tàu. Đồng thời, lịch trình vận hành tàu nhanh cần được đồng bộ với các tuyến metro sử dụng chung hạ tầng để đảm bảo hiệu quả tối đa.
Nếu được đầu tư đúng hướng, tuyến metro nhanh kết nối Tân Sơn Nhất và Long Thành sẽ không chỉ giải quyết tình trạng quá tải giao thông liên vùng, mà còn đóng vai trò là hạ tầng chiến lược hỗ trợ Long Thành phát huy vai trò trung tâm hàng không quốc tế. Đồng thời, đây cũng là bước đi quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh dài hạn cho ngành hàng không Việt Nam.
Liên Phạm