Sở Công Thương TP.HCM đề xuất UBND TPthiết lập ngay một kênh thông tin chính thống để cập nhật kịp thời kết quả đàm phán thuế giữa Việt Nam và Mỹ cho doanh nghiệp. Ảnh: Quỳnh Danh.
Tại phiên họp của UBND TP.HCM về tình hình kinh tế - xã hội diễn ra sáng 8/5, Sở Công Thương TP xác định mục tiêu tăng trưởng hai con số, trong đó xuất khẩu là một trong những mũi nhọn được tập trung thúc đẩy.
Trước những biến động từ thị trường quốc tế, ngành công thương cho biết sẽ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với rủi ro toàn cầu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và mở rộng xuất khẩu sang các thị trường đang phát triển, mới nổi.
Đồng thời, TP cũng thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới và tăng cường hoạt động truyền thông về xuất khẩu.
Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Lê Huỳnh Minh Tú cho rằng các giải pháp này sẽ tạo động lực cho ngành công nghiệp chế biến, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đặc biệt, Sở Công Thương đề xuất UBND TP.HCM thiết lập ngay một kênh thông tin chính thống để cập nhật kịp thời kết quả đàm phán thuế giữa Việt Nam và Mỹ cho doanh nghiệp. Kênh này sẽ hỗ trợ tư vấn pháp lý, thương mại đối với các đơn hàng chưa kịp xuất khẩu, giúp giảm thiểu rủi ro và bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp.
"Đồng thời, cần kịp thời tham mưu, nghiên cứu ban hành các gói hỗ trợ như giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), hạ lãi suất, hỗ trợ nguồn vốn... cho doanh nghiệp", ông Lê Huỳnh Minh Tú nói.
Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Lê Huỳnh Minh Tú chia sẻ tại buổi họp sáng 8/5. Ảnh: TTBC.
Bên cạnh xuất khẩu, để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng hai con số, Sở Công Thương xác định các lĩnh vực ưu tiên tập trung khác gồm kết nối giao thương, xây dựng hệ thống dữ liệu hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển thương hiệu quốc gia và hình thành cụm liên kết ngành công nghiệp liên vùng.
Song song đó, TP.HCM tổ chức nhiều hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa và mở rộng thị trường trong nước như chương trình khuyến mại, bán hàng lưu động, Lễ hội không tiền mặt, Festival Hoa lan, Tuần lễ giống nông nghiệp...
Báo cáo tại phiên họp sáng nay, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của TP trong tháng 4 lần lượt giảm 7,5% và 5,4% so với tháng trước. Tuy nhiên, tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt hơn 16 tỷ USD, tăng 9,07% so với cùng kỳ.
Ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 ước tăng 6,6% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng, chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp ước tăng 7,9%, trong đó 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 7,7% và 3 ngành công nghiệp truyền thống tăng mạnh 13,6%.
Theo bà Mai, những con số trên cho thấy sự phục hồi rõ nét của ngành công nghiệp TP.HCM trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động. Việc cả các ngành công nghiệp trọng điểm và truyền thống đều ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể là kết quả từ các chính sách hỗ trợ và chiến lược phát triển công nghiệp mà TP đang triển khai.
Tuy vậy, TS Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM - đánh giá đà tăng trong tháng 4 mang tính tạm thời.
Theo ông, do Việt Nam đang trong thời gian 90 ngày đàm phán về thuế quan nên nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư đã tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ. "Do đó, chúng ta không thể lấy kết quả tháng 4 để nói lĩnh vực công nghiệp phục hồi tốt", TS Trương Minh Huy Vũ bày tỏ.
Trong khi đó, lĩnh vực nhập khẩu có dấu hiệu sụt giảm ở nhiều thị trường, đặc biệt là Trung Quốc, trong bối cảnh các đơn hàng mới không được mở rộng. Cùng với đó, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn trong tháng 4 cũng đã tác động đáng kể đến kinh tế cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng.
Liên Phạm