Mục tiêu nâng thị phần, hướng đến xuất khẩu
Theo đề xuất, đến năm 2030, ngành đóng tàu Việt Nam phải đáp ứng nhu cầu đóng mới, bổ sung, thay thế đội tàu vận tải biển trong nước với tổng tải trọng từ 4 - 5 triệu tấn, tương đương 0,7 - 0,8 triệu tấn/năm. Đồng thời, 30% sản lượng đóng mới hướng tới xuất khẩu, tương đương 1 triệu tấn.
Cục Hàng hải và Đường thủy VN đề xuất chính sách quy hoạch vị trí, cơ chế miễn, giảm thuế đất, tạo thuận lợi cho các nhà máy đóng tàu (Ảnh: Tạ Hải).
Tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam đặt mục tiêu đóng góp 2% tổng sản lượng đóng tàu toàn cầu - con số đầy tham vọng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia có ngành công nghiệp tàu thủy phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc.
Để hiện thực hóa mục tiêu, Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam đề xuất quy hoạch hệ thống khu công nghiệp chuyên biệt cho ngành đóng tàu tại các địa phương có lợi thế về vị trí cảng biển như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM, Nam Định…
Theo đánh giá, đóng tàu là ngành đòi hỏi diện tích đất lớn, gần biển, thuận lợi về tuyến luồng hàng hải, tuy nhiên hiện nay Việt Nam chưa có khu công nghiệp chuyên ngành nào dành riêng cho lĩnh vực này. Việc thiếu cơ sở hạ tầng đồng bộ đang là một rào cản lớn khiến chi phí sản xuất cao, khó thu hút đầu tư và mở rộng quy mô.
Cục đề xuất các khu công nghiệp chuyên ngành này cần tích hợp thêm các cụm công nghiệp phụ trợ, hạ tầng logistics, kho bãi, nhằm tiết kiệm chi phí vận chuyển, tăng hiệu quả khai thác.
Tháo gỡ vướng mắc về chính sách đất đai, ưu đãi đầu tư
Dù ngành đóng tàu đã nằm trong danh mục ưu đãi đầu tư theo quy định hiện hành, nhưng chưa có cơ chế cụ thể về miễn, giảm tiền thuê đất tại các khu công nghiệp hoặc vùng ven biển chiến lược.
Hiện, Nghị định 103/2024 quy định về tiền thuê đất chưa hướng dẫn cụ thể về mức miễn giảm dành cho nhà máy đóng tàu. Thủ tục miễn giảm khác theo Luật Đất đai cũng còn phức tạp, thiếu rõ ràng, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận chính sách.
Từ đó, Cục Hàng hải và Đường thủy VN kiến nghị sửa đổi Nghị định 103/2024, bổ sung hướng dẫn cụ thể về miễn giảm tiền thuê đất cho ngành đóng tàu và công nghiệp phụ trợ.
Cùng đó, cần bổ sung ngành đóng tàu vào danh mục miễn giảm đặc biệt tại các khu công nghiệp chuyên ngành hoặc ven biển trọng điểm; Giao các địa phương có ngành đóng tàu mạnh nghiên cứu chính sách miễn giảm phù hợp tại các cụm công nghiệp: Hải Phòng, Quảng Ninh, TP.HCM, Nam Định…
Để nâng cao chất lượng dịch vụ, cơ quan này cũng đề xuất xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật cho hạ tầng ngành đóng tàu, bao gồm: Yêu cầu về luồng lạch, độ sâu, cầu cảng; Thiết bị nâng hạ, hệ thống phòng cháy chữa cháy; Điều kiện về môi trường, quy hoạch và khoảng cách với khu dân cư.
Đồng thời, cần rà soát và di dời các cơ sở đóng tàu nhỏ lẻ trong nội đô không đáp ứng tiêu chuẩn, tránh gây ô nhiễm và mất an toàn, đồng thời tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp trong ngành.
Kỳ Nam