Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) Phan Thị Hải cho biết, giá một bao thuốc nhãn phổ biến nhất ở Việt Nam chỉ vào khoảng 0.9 USD/bao. Với mức giá này, giá thuốc lá ở Việt Nam đứng thứ 15, gần thấp nhất, trong số 19 nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương (WHO, Report on the global tobacco epidemic 2021).
Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) Phan Thị Hải phát biểu tại buổi tập huấn. Ảnh: A.V
Hiện trên thị trường có tới 40 nhãn hiệu thuốc lá có giá bán lẻ dưới 10.000 đồng/bao 20 điếu, có nhiều nhãn hiệu chỉ có mức giá 7.000 đồng đến 8.000 đồng/bao 20 điếu. Với mức giá thuốc lá bán lẻ thấp như vậy, thuốc lá rất dễ tiếp cận với người có thu nhập thấp và người mới hút, kể cả trẻ em và trẻ vị thành niên (Báo cáo Điều tra giá bán lẻ thuốc lá điếu ở Việt Nam năm 2023. Trường Đại học Y tế Công cộng, HealthBridge (2024).
Từ năm 2008 đến 2019, Việt Nam mới chỉ thực hiện 3 lần tăng thuế TTĐB thuốc lá nhưng mức tăng thuế mỗi lần thấp chỉ là 5% và khoảng cách thời gian giữa các lần tăng thuế khá dài (giá xuất xưởng) cụ thể: Năm 2006, tăng mức thuế từ 55% lên 65%; Năm 2016 (sau 8 năm) tăng từ 65% lên 70%; Năm 2019 (sau 3 năm): tăng từ 70% lên 75%. Theo các chuyên gia thì các lần tăng thuế này là quá ít và chỉ có tác động giảm tiêu thụ vào năm tăng thuế, sau đó lại tăng trở lại.
Trong lần tăng thuế 2006, mức tăng 10% (từ 55% lên 65%) chỉ làm giảm tiêu dùng trong năm tăng thuế và sau đó tiêu dùng tăng ngay trở lại (sản lượng tiêu thụ nội địa giảm từ 4.032 triệu bao năm 2005 xuống 3.451 triệu bao năm 2006 nhưng tăng trở lại 3.897 triệu bao năm 2007). Trong lần tăng thuế 2016 thuế thuốc lá mới được tăng tiếp và với biên độ nhỏ hơn là 5%. Đến 2019 cũng tăng với tương tự là 5%. Tổng tiêu dùng thuốc lá giảm năm 2017, 2018, 2019 nhưng lại tăng trở lại vào các năm sau đó.
Đại diện Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cho rằng cải cách thuế TTĐB đối với thuốc lá là vô cùng cần thiết. Mức thuế cao được thực hiện càng sớm sẽ giúp cứu sống nhiều người, giảm tổn thất kinh tế, xã hội và con người.
Toàn cảnh buổi tập huấn. Ảnh: A.V
Chuyên gia kinh tế, Thạc sĩ Đào Thế Sơn cho rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá nên được coi là một chính sách tài khóa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, cho nên Việt Nam cần mạnh dạn tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để có thể nâng cao chất lượng tăng trưởng và tăng trưởng bền vững. Nên tăng thuế từ mức 5.000 đồng/bao từ năm 2026 (thuế tuyệt đối) và tăng dần tới 15.000 đồng/bao vào năm 2030. Thuế TTĐB với thuốc lá mặc dù giảm phần doanh thu giữ lại của doanh nghiệp nhưng phần đóng góp ngân sách tăng lên và tổng cộng đóng góp chung cho nền kinh tế vẫn tăng.
Tại buổi tập huấn, lãnh đạo Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, các chuyên gia y tế, kinh tế đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ về tác động của tăng thuế thuốc lá lên sản xuất và kinh doanh thuốc lá; các tác động kinh tế-xã hội khác của tăng thuế thuốc lá; vấn đề việc làm, thu nhập của người lao động trong ngành công nghiệp thuốc lá khi tăng thuế thuốc lá; đề xuất lộ trình cải cách chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá tại Việt Nam theo hướng để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức tối ưu theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá tại Việt Nam.
Theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế y tế Việt Nam, năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng/năm (tương đương 1,14% GDP năm 2022). Con số này lớn hơn gấp 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia.
Tại Việt Nam, thuốc lá gây ra 85.000 ca tử vong mỗi năm, hút thuốc lá thụ động gây ra 18.800 ca tử vong. Hàng năm, có 104.300 ca tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá.
Văn Anh