Đề xuất luật hóa Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu

Đề xuất luật hóa Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu
6 giờ trướcBài gốc
Đây là thông tin được đưa ra tại tọa đàm với chủ đề "Cần tiếp tục luật hóa một số vấn đề theo tinh thần Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017 (gọi tắt là Nghị quyết 42) của Quốc hội về xử lý nợ xấu". Tọa đàm do báo Pháp Luật Việt Nam tổ chức vào sáng ngày 22-5, tại TP.HCM.
Cần tiếp tục "luật hóa" xử lý nợ xấu
Theo Nhà báo Hà Ánh Bình, Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, kể từ khi ngày nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, hết hiệu lực (1-1-2024), hệ thống các tổ chức tín dụng đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc xử lý nợ xấu do thiếu cơ chế đặc thù.
Số liệu về nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng trong hai tháng đầu năm là một trong những minh chứng cho điều này. Vì thế việc văn bản này không được gia hạn hay luật hóa thành quy định mang tính ổn định, đã tạo ra một khoảng trống pháp lý nghiêm trọng, đặc biệt trong vấn đề xử lý tài sản đảm bảo
"Do đó, trong thời điểm hiện nay, cần thiết phải luật hóa một số vấn đề trong Nghị quyết 42 nhằm bảo đảm tính liên tục, ổn định và bền vững cho quá trình lành mạnh hóa thị trường tài chính - ngân hàng", ông Bình đặt vấn đề.
Chia sẻ về vấn đề nợ xấu, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực 2 nhìn nhận: Hiện nay việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo nợ vay để thu hồi nợ vẫn còn phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế cũng như trách nhiệm của khách hàng trong vay và trả nợ ngân hàng.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực 2 phát biểu tại tọa đàm. ẢNH: BTC
Bên cạnh đó, nhìn lại kết quả tích cực trong 6 năm thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, ông Lệnh cho rằng cần thiết luật hóa một số nội dung của Nghị định nhằm tạo thuận cho quá trình xử lý nợ xấu và nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, với yêu cầu cao về tốc độ tăng trưởng.
Cũng theo vị này, nhìn ở góc độ quản lý và đánh giá toàn diện, việc luật hóa Nghị quyết 42 không chỉ tác động điều chỉnh trực tiếp đối với công tác xử lý nợ xấu, xử lý TSBĐ để thu hồi nợ mà còn mang lại những kết quả to lớn hơn, toàn diện hơn về ổn định kinh tế vĩ mô.
"Đặc biệt, cần luật hóa việc thu giữ tài sản đảm bảo, đây là tác động trực tiếp đến xử lý nợ xấu. Luật hóa vấn đề này là hành lang pháp lý thuận lợi, tiết giản thời gian, chi phí khác cho ngân hàng trong việc xử lý thu hồi xử lý nợ xấu. Tạo một chính sách trúng - đúng là nguồn lực cho kinh tế phát triển”, ông Lệnh nói.
Luật hóa cũng cần hài hòa quyền lợi các bên
Quang cảnh tọa đàm. ẢNH: HẠ QUYÊN
GS.TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh - Đại học Kinh tế TP HCM cho biết, để luật hóa thực sự phát huy hiệu quả và bền vững, cần chú trọng đến việc xây dựng các quy định chi tiết, minh bạch, đảm bảo cân bằng hài hòa giữa quyền lợi của tổ chức tín dụng và người đi vay.
Trong đó phải tăng quyền cho tổ chức tín dụng, đồng thời bổ sung hoàn thiện các quy định bảo vệ người đi vay, bao gồm quyền được thông báo đầy đủ, quyền đàm phán tái cơ cấu nợ, và các biện pháp hỗ trợ đối với người đi vay gặp khó khăn thực sự do nguyên nhân khách quan.
GS Vinh nhấn mạnh, cần phân định rõ nợ xấu do lỗi khách quan và lỗi chủ quan để xử lý phù hợp.
Ông Trần Phương Hồng, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự TP HCM cũng bày tỏ góc nhìn từ phía cơ quan thi hành án, rằng: Việc thiếu cơ chế cho tổ chức tín dụng chủ động xử lý tài sản đảm bảo đã khiến cơ quan thi hành án gặp nhiều khó khăn, hồ sơ tồn đọng kéo dài, nhiều trường hợp người vay cố tình tạo tranh chấp để trì hoãn thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Do đó, ông bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc luật hóa những quy định then chốt của Nghị quyết 42/2017, nhằm giảm tải cho hệ thống thi hành án, rút ngắn thời gian xử lý nợ, đồng thời vẫn bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người có tài sản đảm bảo.
HẠ QUYÊN
Nguồn PLO : https://plo.vn/de-xuat-luat-hoa-nghi-quyet-42-ve-xu-ly-no-xau-post851115.html