Đề xuất lùi thời gian áp thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia

Đề xuất lùi thời gian áp thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia
6 giờ trướcBài gốc
“Chắt chiu” cơ hội tăng trưởng
Phát biểu tại Hội thảo Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế: Góc nhìn từ doanh nghiệp chịu thuế tiêu thụ đặc biệt do Báo Nhân Dân tổ chức vào chiều 22/4, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Quý I/2025, Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP 6,93%, cao nhất quý I trong giai đoạn 2020 - 2025.
‘Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn chưa đạt mục tiêu phấn đấu như kịch bản điều hành đã được Chính phủ điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới của đất nước, hướng tới khát vọng trở thành quốc gia thịnh vượng vào năm 2045’ – ông Lê Quốc Minh thông tin.
Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NH
Cũng theo ông Lê Quốc Minh, hiện nay tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, căng thẳng thương mại leo thang có thể gây đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng của nhiều nền kinh tế trên thế giới.
Ở trong nước, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn kéo dài kể từ sau đại dịch COVID-19, thể hiện ở số doanh nghiệp phá sản, tạm ngừng hoạt động có những thời điểm tăng cao hơn so với số doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường.
‘Trong bối cảnh đó, mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo càng trở nên thách thức’ – Tổng Biên tập Báo Nhân Dân khẳng định.
Phát biểu tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, đồng thời là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025, làm tiền đề cho mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2026 - 2030, chuyên gia kinh tế, TS Lê Duy Bình – Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho rằng: Việt Nam cần ‘'chắt chiu’' cơ hội tăng trưởng kinh tế, nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra.
Thực tế, để tạo cơ hội tăng trưởng trong năm 2025, thời gian qua Chính phủ cũng đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ khu vực doanh nghiệp như giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), giảm tiền thuê đất, đặt mục tiêu cắt giảm 30% thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.
Tuy nhiên, Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi được Bộ Tài chính xây dựng, dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét và thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 5/2025 lại đề xuất tăng thuế suất thuế TTĐB với mặt hàng bia từ mức hiện nay là 65% theo 2 phương án.
Trong đó, phương án 1 tăng từ năm 2026 với mức tăng mỗi năm 5% tới năm 2030 lên đến 90% và phương án 2, tăng thuế từ năm 2026 với mức 15%, sau đó từ năm 2027 tăng từng năm là mỗi năm 5% để tới năm 2030 thuế suất thuế TTĐB với mặt hàng bia là 100%.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, ngoài ảnh hưởng tới một số ngành khác, Luật Thuế TTĐB sửa đổi nếu được áp dụng sẽ có ảnh hưởng lớn và trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành, hàng triệu người lao động trong ngành và các ngành hàng liên quan, tới hàng triệu người tiêu dùng và nền kinh tế.
Các chuyên gia kiến nghị cần giãn lộ trình thực hiện Luật Thuế TTĐB sửa đổi để tránh gây sốc cho doanh nghiệp. Ảnh: NH
Cần lộ trình hợp lý và tránh "gây sốc" cho doanh nghiệp
Trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến nhanh, bất thường, tác động đến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong khi đó, với quyết tâm chính trị về mục tiêu tăng trưởng 8% cũng như với tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, các chuyên gia kinh tế đưa ra kiến nghị, xem xét lùi thời điểm hiệu lực của Luật Thuế TTĐB.
Cụ thể, theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, nên lùi thời gian áp dụng tăng thuế TTĐB với mặt hàng bia rượu đến 1/1/2028. Và mức độ tăng giãn hơn để giúp doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, thích nghi, cũng là để góp phần thúc đẩy tăng trưởng cao.
Ông Cấn Văn Lực cũng kiến nghị: ‘Cần tính toán lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp, tránh gây “sốc” cho doanh nghiệp và thị trường. Đặc biệt, xem xét áp dụng mức thuế suất khác nhau theo nồng độ cồn, hàm lượng đường, tránh cào bằng, chẳng hạn như nồng độ càng cao, thuế suất cũng sẽ tăng theo’.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cũng cho rằng: Trước những khó khăn mà các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, việc khoan sức dân, khoan sức doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu cần được coi là sự lựa chọn ưu tiên trong hoạch định chính sách, và đây chính là cách hỗ trợ tốt nhất, hiệu quả nhất cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Cùng quan điểm, bà Phan Minh Thủy, Trưởng phòng, Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong bối cảnh doanh nghiệp đang chịu nhiều sức ép do biến động kinh tế toàn cầu, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng như rượu, bia cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
Theo đó, lộ trình tăng thuế nên được thiết kế hợp lý, vừa phải, không gây sốc cho thị trường và tạo điều kiện để doanh nghiệp thích ứng. Đối với mặt hàng bia, VCCI đề xuất tăng thuế từ năm 2028, theo hướng mỗi 2 năm tăng 5% cho đến năm 2030.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lưu Đức Huy - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết: Bộ Tài chính là cơ quan được giao xây dựng dự án Luật Thuế TTĐB sửa đổi, trong quá trình xây dựng cũng đã bám sát chiến lược cải cách thuế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đặc biệt, mục tiêu của tăng thuế TTĐB với mặt hàng bia, rượu không phải để tăng thu ngân sách mà để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Cũng theo ông Lưu Đức Huy, Luật Thuế TTĐB sửa đổi thật sự cần thiết và đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 năm 2024. Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới đang có nhiều thay đổi, chính sách thuế đối ứng đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tâm lý của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Chính phủ cũng đã có chỉ đạo, Bộ Tài chính có nghiên cứu báo cáo với Chính phủ xem xét một số vấn đề về Dự thảo Luật Thuế TTĐB sửa đổi.
Chính phủ đã lấy phiếu thành viên nhằm điều chỉnh phương án Luật Thuế TTĐB để Bộ Tài chính giúp cơ quan Chính phủ có ý kiến với Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội về nội dung cần thiết điều chỉnh phương án.
Sau khi được Chính phủ đồng ý, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội một số nội dung: Một là, giãn lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng trong dự thảo luật, trong đó có mặt hàng bia, rượu. Trước đây, Chính phủ trình Quốc hội phương án tăng thuế là phương án 2, thì hiện nay để “đỡ sốc”, Chính phủ đề xuất thực hiện theo phương án 1 đã trình trước đây.
Hai là, có thể giãn bớt lộ trình chưa thực hiện từ năm 2026, mà thực hiện từ năm 2027.
Theo ông Lưu Đức Huy, Ủy ban Kinh tế và Tài chính sẽ tổng hợp ý kiến của Bộ Tài chính, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội có phương án để đưa vào dự thảo Luật Thuế TTĐB, trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp tới.
Dự thảo Luật thuế TTĐB đang sửa đổi theo hướng điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng bia (mức thuế hiện nay là 65%) với 2 phương án được đề xuất, bao gồm:
Phương án 1: Tăng thuế từ năm 2026, tăng theo từng năm và mỗi năm tăng 5% để tới năm 2030 thuế suất thuế TTĐB đối với bia là 90%.
Phương án 2: Tăng thuế từ năm 2026 với mức tăng 15%, sau đó từ năm 2027 tăng từng năm và mỗi năm tăng 5% để tới năm 2030 thuế suất thuế TTĐB đối với bia là 100%.
Nguyễn Hòa
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/de-xuat-lui-thoi-gian-ap-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-ruou-bia-384395.html