Đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo: 'Người trong cuộc' chia sẻ đôi điều

Đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo: 'Người trong cuộc' chia sẻ đôi điều
5 giờ trướcBài gốc
Những ngày vừa qua, dư luận xã hội đặc biệt chú ý đến dự thảo sửa đổi Luật Nhà giáo do Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất, trong đó có quy định miễn học phí cho con nhà giáo. Dù nhiều thầy cô thấy được quan tâm và đánh giá cao sự hỗ trợ từ lãnh đạo ngành, nhưng không ít giáo viên đã bày tỏ sự không đồng tình với đề xuất này.
Chính sách cần hướng tới sự công bằng, khả thi
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) đã bày tỏ quan điểm về đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo.
Thầy Lâm hoan nghênh sự quan tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với đời sống của đội ngũ nhà giáo nhưng cũng cho rằng chính sách này cần phải công bằng và phù hợp hơn với bản chất của nghề giáo.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội). Ảnh: Thùy Linh.
Có ý kiến phản đối đề xuất này và so sánh giữa con giáo viên với con em công nhân, hay các cán bộ làm việc trong trường học. Thầy Lâm cho rằng, mỗi đối tượng đã có những chính sách riêng và việc so sánh giữa các nhóm là không hợp lý. Công đoàn và các tổ chức lao động đã có trách nhiệm lo cho con em công nhân và người lao động trong các trường học. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ cho giáo viên cũng cần được thiết kế theo hướng riêng, phù hợp với đặc thù của ngành giáo dục.
Nhiều giáo viên hiện tại cũng đã cho ý kiến từ chối và không ủng hộ đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo, vì họ cảm thấy điều này không thấu tình đạt lý và không đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của nghề giáo. Thầy Lâm cũng chỉ ra sự bất hợp lý trong đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo.
Thứ nhất, việc miễn học phí cho con nhà giáo sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong môi trường giáo dục. “Giáo viên là người trực tiếp giảng dạy và chịu trách nhiệm về việc học của tất cả học sinh, không chỉ riêng con em của mình. Nếu chính sách này được áp dụng, các con của giáo viên sẽ được hưởng lợi từ tiền đóng góp của nhà nước, điều này không công bằng đối với những học sinh khác. Trong một môi trường giáo dục, nơi sự bình đẳng là điều cốt lõi, việc ưu tiên riêng cho con giáo viên sẽ tạo ra sự phân biệt không cần thiết giữa các học sinh”, thầy Lâm lý giải.
Thứ hai, chính sách này không phục vụ cho tất cả nhà giáo mà chỉ dành cho những người có con đang đi học, điều này gây ra sự không đồng đều giữa các giáo viên và giữa các trường học. Không phải giáo viên nào cũng có con trong độ tuổi đi học, chính sách này chỉ có hiệu lực trong một giai đoạn nhất định. Thay vì tập trung vào những chính sách chỉ mang tính tạm thời và không đồng đều, cần có những biện pháp bền vững hơn để chăm lo cho giáo viên.
Một giáo viên trên địa bàn Quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội chia sẻ, bản thân họ cũng được nghe nhiều tranh cãi liên quan đến đề xuất miễn học phí cho con em giáo viên trong dự thảo Luật Nhà giáo. Theo vị giáo viên này, từ khi thông tin này được xuất hiện trên các mạng xã hội có rất nhiều thảo luận, ý kiến về vấn đề này.
"Nhiều người so sánh và đặt ra câu hỏi tại sao miễn giảm cho con giáo viên mà không miễn giảm cho con em công nhân, họ có hoàn cảnh khó khăn hơn, tôi cho rằng đây là đánh giá một cách vội vàng, thiếu sự hiểu biết toàn diện về vấn đề. Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhất là khi so sánh giữa các ngành nghề, mỗi nghề đều có những đặc thù và khó khăn riêng.
Giáo viên không mong được miễn học phí cho con em mình, nhưng cần có sự quan tâm tới những giáo viên có hoàn cảnh khó khăn thực sự. Hàng năm, công đoàn vẫn lọc ra những hoàn cảnh này và kêu gọi sự ủng hộ, thì chính sách cũng cần làm điều tương tự", vị giáo viên này chia sẻ.
Vị giáo viên này đánh giá, “điểm mới trong dự thảo Luật nhà giáo đã thể hiện sự quan tâm đến đời sống nhà giáo của các cấp lãnh đạo, giúp giáo viên yên tâm công tác và sâu xa hơn là giảm tình trạng dạy thêm. Dù vậy, tôi không đồng tình với đề xuất này vì với mức thu nhập hiện tại, chúng tôi vẫn đủ điều kiện lo cho con của mình và chăm lo được cho đời sống. Tôi đề xuất nên xem xét chỉ áp dụng điều này cho các giáo viên thực sự có hoàn cảnh đặc biệt”.
Cô Nguyễn Thị Huế (áo dài hồng) - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Vũng Tàu (Thành phố Vũng Tàu) cùng các học sinh. Ảnh: NVCC.
Cô Nguyễn Thị Huế, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Vũng Tàu (Thành phố Vũng Tàu) có một số góp ý vào nội dung cụ thể. Trong đó, liên quan đến nội dung điểm b) “Miễn giảm học phí cho con của nhà giáo đang trong thời gian công tác” và điểm d) “Giảm giá vé phương tiện giao thông công cộng” tại điều 45. Chính sách hỗ trợ nhà giáo (thuộc Chương V. Chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo), vị hiệu trưởng cho rằng là không cần thiết.
Chính sách hỗ trợ này chỉ nên áp dụng đối với nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo dạy trường chuyên biệt, nhà giáo dạy giáo dục hòa nhập; nhà giáo dạy tiếng dân tộc thiểu số; nhà giáo dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số.
Các nhóm đối tượng nhân sự khác hoạt động trong cơ sở giáo dục như: thiết bị, thư viện, giáo vụ, tư vấn học sinh đề nghị coi là nhà giáo. Vì các nhóm đối tượng này phù hợp với chương I, Điều 3. Nhà giáo, trong đó có ghi “Nhà giáo là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục”.
Ưu tiên phát triển năng lực nhà giáo thay vì chính sách ưu tiên cho con nhà giáo
Hiện tại, dự thảo về Luật Nhà giáo đang tiếp tục được bàn thảo, hoàn thiện. Ngoài các ý kiến xoay quay việc miễn giảm học phí cho con em nhà giáo, nhiều điểm trong dự thảo cũng được các thầy cô quan tâm, đóng góp ý kiến.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm đề xuất, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên đầu tư vào việc nâng cao năng lực chuyên môn và trình độ cho giáo viên thông qua các chương trình bồi dưỡng thường xuyên. Mỗi giáo viên nên được khuyến khích học tập, nâng cao kiến thức để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nghề giáo và việc này có thể được thực hiện thông qua một khoản kinh phí định kỳ dành riêng cho hoạt động học tập và nâng cao trình độ.
"Cần phải có những chính sách tập trung vào việc bồi dưỡng và phát triển năng lực của giáo viên, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện và bền vững. Những giáo viên nào có sáng kiến, kinh nghiệm và khả năng phát triển bản thân tốt sẽ được hỗ trợ kinh phí học tập để nâng cao trình độ. Điều này vừa tạo ra sự khích lệ và yêu cầu giáo viên phải không ngừng phấn đấu, rèn luyện để phát triển bản thân, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, vừa thể hiện sự quan tâm đúng đắn đến đội ngũ nhà giáo," thầy Lâm nhấn mạnh.
Ngành giáo dục cần tập trung vào việc nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên, vì "thầy giỏi thì trò mới hay." Việc phát triển năng lực của đội ngũ giáo viên là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục và đảm bảo sự phát triển bền vững của giáo dục.
Bên cạnh đó, thầy Tùng Lâm cũng chỉ ra rằng giáo viên ở các khu vực vùng cao đã có những chính sách riêng, với mức phụ cấp khu vực tương đối lớn. Không cần thêm những chính sách khác nữa cho đối tượng này, vì đã có các biện pháp hỗ trợ phù hợp với điều kiện sống và công tác.
Cô Nguyễn Thị Huế cũng có góp ý và đề xuất chỉnh sửa cụ thể một số nội dung liên quan đến hợp đồng dạy học và chế độ nghỉ hưu của nhà giáo.
Tại Chương IV, Mục 2. Hợp đồng dạy học trong điều 29. Đơn phương chấm dứt hợp đồng dạy học, điểm c có nêu: “Nhà giáo làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn bị ốm đau ngừng giảng dạy để điều trị 12 tháng liên tục, nhà giáo làm việc theo hợp đồng xác định thời hạn bị ốm đau ngừng giảng dạy để điều trị 06 tháng liên tục mà sức khỏe chưa phục hồi để làm việc. Khi sức khỏe của nhà giáo phục hồi thì được xem xét để tiếp tục ký kết hợp đồng”
Theo cô Huế, nội dung chưa quy định cụ thể khi sức khỏe của nhà giáo phục hồi thì được xem xét để tiếp tục ký kết hợp đồng sẽ ký loại hợp đồng nào, đặc biệt là đối với Nhà giáo làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn.
Cần làm rõ điểm này để tránh dẫn đến sự mơ hồ và có thể gây khó khăn trong việc thực thi quyền lợi của nhà giáo sau thời gian nghỉ ốm.
Thùy Trang
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/de-xuat-mien-hoc-phi-cho-con-nha-giao-nguoi-trong-cuoc-chia-se-doi-dieu-post246297.gd