Liên quan đến đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH về việc miễn thu hồi số tiền đối với người hưởng sai chính sách ưu đãi người có công, Bộ Tài chính vừa có ý kiến bày tỏ quan điểm về việc này.
Cần làm rõ một số nội dung...
Theo Bộ Tài chính, báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy tổng kinh phí cần thu hồi đến hết năm 2023 là 2.237 tỉ đồng. Trong đó, kinh phí cần thu hồi do đối tượng khai man, giả mạo tài liệu để hưởng chính sách người có công là 513 tỉ đồng (chiếm 23%) và kinh phí cần thu hồi do các sai phạm khác là 1.724 tỉ đồng (chiếm77%).
Qua đó, bộ này nhận định số kinh phí cần thu hồi do sai sót từ phía các cơ quan trong quá trình triển khai thực hiện chế độ chính sách xét hồ sơ, xác nhận đối tượng hưởng chế độ ưu đãi, xây dựng các văn bản quy định chế độ chính sách cao gấp ba lần số kinh phí cần thu hồi do sai phạm có chủ đích của đối tượng (khai man, giả mạo tài liệu).
“Trong khi Bộ LĐ-TB&XH chưa làm rõ về mức độ, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân về các sai phạm trong triển khai thực hiện chế độ chính sách, cũng chưa nghiên cứu đề xuất các biện pháp thu hồi đối với các đối tượng hưởng sai chế độ nhưng cố tình không nộp trả ngân sách Nhà nước, lại đề xuất xem xét miễn thu hồi số tiền này là chưa phù hợp…”- Bộ Tài chính nêu quan điểm.
Kết quả giám định kỹ thuật hình sự các hồ sơ thương binh. Ảnh: P.P
Hiện ngân sách trung ương bố trí kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công cách mạng rất lớn. Việc thanh tra, kiểm tra phát hiện các đối tượng hưởng chế độ ưu đãi không đúng quy định được thực hiện hằng năm, nên việc quy định cụ thể về mức độ, trách nhiệm và biện pháp xử lý đối với từng sai phạm là cần thiết.
Thêm vào đó, công tác trên của cơ quan quản lý nhà nước còn tạo hành lang pháp lý chặt chẽ trong quá trình tổ chức thực hiện, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ LĐTBXH chủ trì nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đề xuất, hoàn thiện quy định về việc xử lý các sai phạm trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
“Sau khi thực hiện xong các bước trên, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất trình cấp có thẩm quyền phương án xử lý đối với số kinh phí 2.237 tỉ đồng”- Bộ Tài chính nêu.
Còn đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại lưu ý Bộ LĐ-TB&XH cần bổ sung vào báo cáo Chính phủ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến xét duyệt trợ cấp chế độ cho người có công không đúng với quy định hiện hành, từ đó có cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Còn Bộ GTVT đề nghị rà soát, thu hồi khoản trợ cấp đối với các đối tượng thuộc diện khai man, giả mạo tài liệu để lập hồ sơ hưởng chế độ chính sách sai quy định theo quy định tại khoản 1 điều 55 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
Liên quan đến các vấn đề trên, một nguồn tin cho hay, hiện Văn phòng Chính phủ đã phát phiếu lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. Sau đó Chính phủ sẽ giao Bộ LĐ-TB&XH hoàn thiện các nội dung và báo cáo lại với Chính phủ, trường hợp tạo được sự đồng thuận cao Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
Vì sao phải đề xuất miễn nộp lại tiền ?
Trước năm 2015, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Quốc Phòng tiến hành cuộc thanh tra lớn về chế độ chính sách người có công. Các đối tượng chủ yếu của giai đoạn đầu thanh tra là hồ sơ thương binh do cơ quan quân đội xác lập từ năm 1998 đến năm 2013, số lượng 66.014 hồ sơ.
Sau khi kết thúc cuộc thanh tra trên vào năm 2018 và có những kết quả tích cực, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục phối hợp với các địa phương thanh tra, rà soát 320 nghìn hồ sơ hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và hồ sơ hưởng chế độ con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, trong quá trình triển khai giải quyết chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng có sai sót về chuyên môn của cơ quan chức năng trong xác định, kết luận căn cứ để làm cơ sở duyệt hồ sơ, giải quyết chế độ ưu đãi.
Cụ thể, kết quả thanh tra 204.965 hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học tại 40 tỉnh, thành phát hiện 9.717 hồ sơ của đối tượng được Hội đồng giám định y khoa các tỉnh, thành khám giám định bệnh tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học và xác định tỉ lệ tổn thương cơ thế không đúng quy định, hoặc các trạm y tế cấp xã xác nhận về tình trạng dị dạng dị tật để làm căn cứ lập hồ sơ không đúng với tình trạng dị dạng dị tật của đối tượng.
Một số cán bộ, công chức lợi dụng thẩm quyền được giao để làm sai quy định trong giải quyết chính sách phải xử lý hình sự.
Với các cuộc thanh tra quy mô lớn, tính đến ngày 31-12-2023, kết quả thanh tra, kiểm tra, rà soát hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng trên toàn quốc đã phát hiện hàng nghìn trường hợp hưởng sai chế độ ưu đãi. Trong đó, 5.397 đối tượng thuộc diện khai man, giả mạo tài liệu để lập hồ sơ hưởng chế độ.
Các cuộc kiểm tra của Bộ LĐ-TB&XH giúp giảm được ngân sách chi hàng năm đối với người có công với cách mạng. Ảnh minh họa: N.P
Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH chấm dứt chế độ hưởng, nhằm tạo sự công bằng, nghiêm minh trong thực hiện chính sách ưu đãi. Tuy nhiên, quá trình triển khai thu hồi số tiền hưởng sai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Nguyên nhân là do một số trường hợp không đồng ý nộp trả ngân sách nhà nước số tiền hưởng sai, họ cho rằng sai sót là do cơ quan chức năng chứ không phải do bản thân khai man, giả mạo.
Nhiều người không có khả năng nộp trả vì thuộc hộ nghèo, cận nghèo, bản thân mắc bệnh hiểm nghèo, gia đình không có thu nhập ổn định, đối tượng là người đồng bào dân tộc thiểu số không có khả năng hoàn trả…
Theo Bộ LĐ-TB&XH, nếu phải thu hồi, cưỡng chế thì lại tiếp tục đẩy gia đình đó vào tình trạng nghèo thêm, dẫn đến đời sống của người dân không có cơ hội thoát nghèo, đồng thời có thể dẫn đến việc thực hiện chính sách an sinh xã hội gặp nhiều khó khăn hơn.
Với thực tiễn đó và xuất phát từ kiến nghị của các địa phương, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất Thủ tướng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét miễn thu hồi số tiền hưởng sai đối với: hộ nghèo, hộ cận nghèo; người mắc bệnh đang trong tình trạng hiểm nghèo, không còn khả năng lao động, không có thu nhập; người dân tộc thiểu số.
Với các đối tượng khác, bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương tiến hành các biện pháp thu hồi để hoàn trả lại ngân sách.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện số tiền mà các đối tượng hưởng sai phải nộp lại cho ngân sách nhà nước là trên 2.400 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay mới thu được trên 163 tỉ đồng.
Năm 2018, Bộ LĐ-TB&XH từng trình và được Chính phủ thống nhất miễn thu hồi khoản trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng đã hưởng không đúng quy định với trường hợp đã chết. Các trường hợp khác, giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh thu hồi nộp ngân sách nhà nước. Cạnh đó, kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị, cá nhân để xảy ra sai phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
P.PHONG