Do đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét dự thảo nghị quyết, trong đó cho thí điểm trong 5 năm việc nhà đầu tư thỏa thuận nhận quyền sử dụng với đất nông nghiệp, phi nông nghiệp không phải đất ở, đất khác trong cùng thửa để làm dự án nhà ở thương mại.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), kiến nghị ưu tiên thí điểm với doanh nghiệp nhận chuyển quyền sử dụng hoặc đang có quỹ đất để làm dự án nhà ở thương mại vừa túi tiền, phù hợp tình hình kinh tế của địa phương. Việc này theo ông sẽ thúc đẩy cấu trúc lại sản phẩm nhà ở đang lệch pha về phân khúc cao cấp, giúp thị trường phát triển an toàn, bền vững.
Góp ý với dự thảo nghị quyết, ông Châu cho rằng đây là một bước tiến đáng chú ý trong nỗ lực tháo gỡ nút thắt pháp lý, tạo điều kiện để doanh nghiệp bất động sản triển khai các dự án nhà ở thương mại hiệu quả hơn.
Ông Châu bày tỏ sự đồng tình với tinh thần của nghị quyết, đồng thời kỳ vọng rằng các quy định sẽ tạo đột phá trong cơ chế tiếp cận đất đai và thúc đẩy phát triển quỹ nhà ở, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung đất ở tại các đô thị lớn đang trở nên khan hiếm.
Tuy nhiên, HoREA cũng nêu một số góp ý để hoàn thiện dự thảo, tăng tính khả thi và hiệu quả khi áp dụng vào thực tiễn. Hiện nay, các doanh nghiệp thường tiếp cận đất thông qua 3 hình thức chính: đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, hoặc được giao đất trực tiếp. Những phương thức này còn nhiều hạn chế, đặc biệt với các dự án mà quyền sử dụng đất chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu pháp lý hoặc không phù hợp quy hoạch. Do vậy, việc bổ sung cơ chế mới sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết các trường hợp này, đồng thời thúc đẩy khai thông các dự án đang bị đình trệ.
Dự thảo quy định tỷ lệ diện tích đất ở trong các dự án thí điểm không vượt quá 30% tổng diện tích đất ở tăng thêm trong kỳ quy hoạch 10 năm. Quy định này được đánh giá là hợp lý, góp phần cân bằng giữa phát triển nhà ở thương mại và bảo vệ quỹ đất nông nghiệp.
HoREA nhấn mạnh rằng việc giới hạn diện tích đất ở trong các dự án không chỉ ngăn chặn tình trạng lạm dụng chuyển đổi đất nông nghiệp mà còn đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong dài hạn.
Dù đồng tình với tinh thần đổi mới của dự thảo, HoREA cho rằng cần mở rộng phạm vi áp dụng, để bao quát hơn các trường hợp thực tế. Do vậy HoREA kiến nghị bổ sung 4 nhóm trường hợp vào nghị quyết, bao gồm: dự án doanh nghiệp nhận quyền sử dụng đất không phải đất ở; dự án doanh nghiệp đã có quyền sử dụng đất không phải đất ở; dự án kết hợp 2 hình thức trên; dự án trên đất thuộc diện phải di dời cơ sở sản xuất theo quy hoạch.
Theo HoREA, các nhóm trường hợp này đều thường xuyên xuất hiện trong thực tế triển khai dự án nhưng hiện chưa được đề cập rõ ràng trong dự thảo. Nếu được bổ sung, nghị quyết sẽ tăng tính khả thi, tránh bỏ sót các dự án tiềm năng.
HoREA nhận định việc thông qua nghị quyết sẽ mang lại lợi ích lớn cho thị trường BĐS, nhất là trong bối cảnh nhiều dự án bị đình trệ do vướng mắc pháp lý. Nghị quyết tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai thuận lợi hơn, từ đó tăng cường nguồn cung nhà ở, góp phần giải quyết áp lực lớn tại các đô thị lớn như TPHCM và Hà Nội.
Đồng thời, quy định chặt chẽ về chuyển đổi mục đích sử dụng đất là yếu tố then chốt để đảm bảo phát triển bền vững. Các tiêu chí rõ ràng trong nghị quyết không chỉ giúp ngăn ngừa tình trạng lạm dụng đất nông nghiệp mà còn đảm bảo rằng quỹ đất được sử dụng đúng mục đích, phù hợp với quy hoạch chung của từng địa phương.
Dự kiến Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết này vào ngày 30-11.
Trà Giang