Hoàn thiện hành lang pháp lý, thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Theo Tờ trình số 286/TTr-CP của Chính phủ, việc sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch và bình đẳng.
Dự thảo Luật đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thống nhất quy định về việc viên chức tại cơ sở giáo dục đại học công lập được góp vốn, tham gia thành lập doanh nghiệp nhằm thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Đây được xem là bước đi quan trọng trong việc khuyến khích hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong khối cơ sở giáo dục và đào tạo công lập.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội)
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) đánh giá cao tinh thần đổi mới của dự thảo Luật. Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý về sự thiếu thống nhất giữa dự thảo Luật Doanh nghiệp và dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - khi luật sau có phạm vi điều chỉnh rộng hơn, bao gồm cả viên chức làm việc tại các tổ chức khoa học và công nghệ công lập.
Đại biểu đề nghị cần rà soát, điều chỉnh để đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo và tạo hành lang pháp lý rõ ràng, thuận lợi hơn cho hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công.
Mở rộng cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Phù hợp với thực tiễn
Bên cạnh quy định đối với viên chức tại cơ sở giáo dục đại học công lập, nhiều đại biểu cho rằng cần xem xét mở rộng thêm đối tượng áp dụng đối với viên chức tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Thái Bình) nêu rõ: Trong thực tế, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng có năng lực nghiên cứu và nhu cầu thương mại hóa các sản phẩm, sáng kiến. Do đó, việc chỉ cho phép cơ sở giáo dục đại học tham gia thành lập doanh nghiệp là chưa đầy đủ. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định cho phép viên chức tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được quyền góp vốn, tham gia quản lý doanh nghiệp, nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo trong đào tạo nghề.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp)
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đề xuất bổ sung quy định kiểm soát chặt chẽ và cơ chế hậu kiểm đối với viên chức tham gia góp vốn, điều hành doanh nghiệp. Theo đại biểu, cần đảm bảo minh bạch, công bằng với các doanh nghiệp không có sự tham gia của viên chức nhà nước, đồng thời ngăn ngừa việc lạm dụng chức vụ để trục lợi cá nhân.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, đề xuất mở rộng quyền cho viên chức tham gia doanh nghiệp xuất phát từ chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong các Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị và 193 của Quốc hội, với mục tiêu thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng.
Hiện nay, Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đang thể chế hóa quyền này đối với viên chức tại các tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Dự thảo Luật Doanh nghiệp được sửa đổi nhằm bổ sung đối tượng là viên chức tại cơ sở giáo dục đại học công lập. Về đề xuất mở rộng thêm cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu để nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng.
“Chúng ta cần đảm bảo quan điểm: những gì đã rõ, đã chín thì đưa vào luật; những gì chưa rõ, chưa chín sẽ tiếp tục thí điểm. Hiện đề xuất này đang được thực hiện thí điểm tại Hà Nội theo Luật Thủ đô, và cần thời gian để đánh giá hiệu quả trước khi mở rộng áp dụng trên phạm vi toàn quốc”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp lần này là cơ hội để hoàn thiện hành lang pháp lý, khuyến khích đổi mới sáng tạo trong khu vực công, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Mở rộng quyền tham gia doanh nghiệp cho viên chức là xu hướng tất yếu trong bối cảnh phát triển kinh tế tri thức, nếu được thiết kế chặt chẽ và đồng bộ với các luật liên quan, sẽ trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong thời gian tới.
Huy Tùng