Đề xuất mở rộng thẩm quyền ngân sách cho Thủ tướng Chính phủ

Đề xuất mở rộng thẩm quyền ngân sách cho Thủ tướng Chính phủ
7 giờ trướcBài gốc
Cụ thể, Chính phủ kiến nghị trao cho Thủ tướng quyền xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, lập dự toán và phân giao nhiệm vụ thu - chi ngân sách, cũng như quyết định việc sử dụng nguồn dự phòng ngân sách trung ương. Những nội dung này được đề xuất quy định rõ ràng trong một điều riêng biệt tại dự thảo luật.
Theo quy định hiện hành, Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết nghị các chính sách tài chính - ngân sách, sửa đổi hoặc bãi bỏ các sắc thuế, định mức an toàn nợ công, cũng như thông qua kế hoạch tài chính 5 năm, dự toán ngân sách và phân bổ ngân sách trung ương cho từng bộ, ngành và địa phương.
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình dự Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), chiều 14/5. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Tuy nhiên, trong dự thảo sửa đổi, Chính phủ đề xuất Quốc hội chỉ quyết định tổng dự toán chi ngân sách Nhà nước, không bao gồm định mức chi cụ thể cho các lĩnh vực như giáo dục - đào tạo, khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc phân bổ ngân sách trung ương theo từng lĩnh vực và cơ quan sẽ do Thủ tướng đảm trách.
Bên cạnh việc tăng thẩm quyền cho Thủ tướng, Chính phủ còn đề xuất mở rộng vai trò của Hội đồng Nhân dân (HĐND) cấp tỉnh trong việc ban hành một số khoản phí, lệ phí ngoài danh mục được quy định trong luật hiện hành, cũng như quyết định một số chính sách an sinh xã hội tại địa phương. UBND các cấp cũng có thể được trao quyền điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương và quyết định các tiêu chuẩn, định mức chi theo thẩm quyền được HĐND giao.
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng thay mặt Thủ tướng trình bày tờ trình cho biết, các đề xuất nêu trên nhằm cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý ngân sách, tăng tính chủ động và linh hoạt cho các cấp trong quá trình điều hành ngân sách đã được phê duyệt.
Ông Phan Văn Mãi - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính trình bày báo cáo thẩm tra dự Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), chiều 14/5. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Tuy nhiên, trong quá trình thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị giữ nguyên thẩm quyền quyết định các khoản chi ngân sách cụ thể của Quốc hội như quy định hiện hành. Các ý kiến này nhấn mạnh vai trò của Quốc hội trong việc đảm bảo tính minh bạch, kỷ luật tài khóa và thể chế hóa các nghị quyết quan trọng của Trung ương đối với các lĩnh vực trọng yếu như giáo dục và khoa học - công nghệ.
Việc Quốc hội giữ quyền quyết định mức chi cũng được xem là căn cứ pháp lý để đánh giá hiệu quả thực thi ngân sách và trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ.
Tuy vậy, cũng có một số ý kiến ủng hộ đề xuất của Chính phủ, cho rằng việc phân quyền cho Thủ tướng sẽ giúp linh hoạt hơn trong điều hành, điều chỉnh giữa các lĩnh vực chi tiêu khi tình hình thực tế phát sinh.
Về mặt kỹ thuật lập pháp, Ủy ban Kinh tế và Tài chính cũng đề nghị Chính phủ rà soát, loại bỏ quy định liên quan đến nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội, cũng như Kiểm toán Nhà nước, bởi các cơ quan này đã được điều chỉnh theo Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Kiểm toán Nhà nước.
Về phía HĐND các cấp, cơ quan thẩm tra đồng thuận với đề xuất mở rộng thẩm quyền, nhưng lưu ý cần có lộ trình thực hiện phù hợp để tránh những hệ lụy tiêu cực khi áp dụng các khoản phí và lệ phí ngoài danh mục. Đồng thời, dự thảo luật cần bổ sung điều khoản chuyển tiếp để đảm bảo sự nhất quán với Luật Phí và lệ phí hiện hành.
Dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội thảo luận tại tổ vào ngày 15/5, thảo luận tại hội trường vào ngày 26/5 và tiến hành biểu quyết thông qua vào ngày 25/6 tới đây.
NH
Nguồn DNSG : https://doanhnhansaigon.vn/de-xuat-mo-rong-tham-quyen-ngan-sach-cho-thu-tuong-chinh-phu-317856.html