Đề xuất mới nhất của Bộ Công an về thẩm quyền chuyển dữ liệu ra nước ngoài

Đề xuất mới nhất của Bộ Công an về thẩm quyền chuyển dữ liệu ra nước ngoài
2 giờ trướcBài gốc
Theo Điều 22 Dự thảo Luật Dữ liệu, hoạt động cung cấp, chuyển dữ liệu ra nước ngoài đảm bảo bảo vệ quyền và lợi ích trong thông tin cá nhân, bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích công cộng xã hội, đồng thời thúc đẩy luồng dữ liệu an toàn và tự do xuyên biên giới.
Dữ liệu được phân loại là dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng cần được cung cấp, chuyển giao bên ngoài biên giới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải được cơ quan có thẩm quyền đánh giá và chấp thuận.
Về thẩm quyền quyết định việc cung cấp, chuyển giao dữ liệu ra nước ngoài, dự thảo nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cung cấp, chuyển giao dữ liệu cốt lõi quốc gia. Bộ Công an thực hiện đánh giá và quyết định cung cấp, chuyển giao dữ liệu quan trọng.
Chủ quản dữ liệu khi cần cung cấp, chuyển giao dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng ra nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện: Đạt đánh giá an toàn dữ liệu do Bộ Công an thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều này;
Ký kết hợp đồng với bên nhận nước ngoài theo hợp đồng chuẩn do Bộ Công an xây dựng, thỏa thuận về quyền và trách nhiệm của hai bên; Các điều kiện khác theo quy định.
Trong trường hợp các điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập có chứa các điều khoản liên quan như điều kiện cung cấp dữ liệu bên ngoài biên giới Việt Nam thì thực hiện theo các điều khoản đó…
Việc đánh giá an toàn dữ liệu đối với cung cấp, chuyển giao dữ liệu ra nước ngoài tập trung vào việc đánh giá các rủi ro mà hoạt động cung cấp, chuyển giao dữ liệu có thể mang lại cho an ninh quốc gia, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, bao gồm tối thiểu các vấn đề sau:
Tính hợp pháp, mục đích và sự cần thiết của việc chuyển giao dữ liệu, phạm vi, phương pháp truyền dữ liệu và việc xử lý dữ liệu của người nhận ở nước ngoài;
Quy mô, phạm vi, loại và độ nhạy cảm của dữ liệu được xuất và những rủi ro mà việc xuất dữ liệu có thể mang lại cho an ninh quốc gia, lợi ích công cộng hoặc quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân hoặc tổ chức;
Trách nhiệm và nghĩa vụ mà người nhận ở nước ngoài đã cam kết thực hiện, cũng như liệu việc quản lý và các biện pháp kỹ thuật và khả năng thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ có thể đảm bảo tính bảo mật của dữ liệu hay không;
Nguy cơ dữ liệu sẽ bị giả mạo, phá hủy, rò rỉ, bị mất, chuyển giao hoặc thu thập hoặc sử dụng bất hợp pháp trong hoặc sau khi dữ liệu được chuyển giao và liệu các kênh bảo vệ quyền và lợi ích của chủ thể dữ liệu có bị cản trở hay không…
Cũng theo dự thảo Luật Dữ liệu, đánh giá an toàn dữ liệu đối với cung cấp, chuyển giao dữ liệu ra nước ngoài được thực hiện kết hợp giữa việc đánh giá trước khi việc cung cấp, chuyển giao được thực hiện, giám sát liên tục, đánh giá lại định kỳ trong quá trình thực hiện nhằm ngăn ngừa rủi ro bảo mật và đảm bảo luồng dữ liệu có trật tự và tự do theo quy định của pháp luật
Các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phải giải quyết các yêu cầu của cơ quan thực thi pháp luật hoặc tư pháp nước ngoài về việc cung cấp dữ liệu, theo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Các tổ chức và cá nhân trong nước không được cung cấp dữ liệu được lưu trữ trên lãnh thổ Việt Nam cho cơ quan tư pháp hoặc cơ quan thực thi pháp luật của nước ngoài mà không có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Huệ Linh
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/de-xuat-moi-nhat-cua-bo-cong-an-ve-tham-quyen-chuyen-du-lieu-ra-nuoc-ngoai-post593766.antd