Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thường xuyên, liên tục
Phát biểu tại thảo luận tổ, ĐBQH Nguyễn Thị Lan đánh giá rất cao cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã rất công phu, nghiêm túc và dành nhiều thời gian tổ chức các hội nghị, hội thảo, cầu thị lắng nghe và tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo. Theo đó, dự thảo lần này đã thể chế hóa được quan điểm, chủ trương của Đảng về vị trí, vai trò của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp phát triển đất nước, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhà giáo; đồng thời, cũng đề xuất một số chính sách đặc thù, đột phá để phát triển và nâng tầm, tôn vinh nghề giáo, khắc phục bất cập trong công tác quản lý nhà nước hiện nay.
ĐBQH Nguyễn Thị Lan cũng cho rằng, dự thảo đã đề cập đến nhiều điểm mới về chính sách đối với nhà giáo như: Vị trí pháp lý của nhà giáo công lập và ngoài công lập, chuẩn hóa chức danh của nhà giáo, chính sách tuyển dụng, điều động, biệt phái của nhà giáo, chính sách về bảo vệ, thu hút nhà giáo; nhà giáo được bảo vệ thông qua quyền và những điều không được làm đối với nhà giáo; thu hút, trọng dụng người có trình độ cao, chính sách đãi ngộ tiền lương với nhà giáo...
ĐBQH Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) phát biểu tại buổi thảo luận Tổ 1. Ảnh: Phạm Thắng
"Các điểm mới này là rất phù hợp với tình hình thực tiễn và có thể tháo gỡ được nhiều khó khăn, "điểm nghẽn" trong lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần rà soát để bảo đảm sự đồng bộ và tính khả thi đối với các quy định pháp luật nếu dự án luật được thông qua", đại biểu Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.
Góp ý làm rõ thêm một số vấn đề, ĐBQH Nguyễn Thị Lan cho biết, tại điều 34, Mục 2 có quy định việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên là việc làm thường xuyên, liên tục, và học tập suốt đời. Việc này đòi hỏi cán bộ giáo viên là nhà quản lý cần thường xuyên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế. Theo đó, ban lãnh đạo, người đứng đầu cơ sở giáo dục, đặc biệt là tại các cơ sở giáo dục đại học cần được bồi dưỡng đào tạo và thúc đẩy hợp tác quốc tế, thông qua đó cập nhật, nâng cao kiến thức, thúc đẩy quốc tế hóa. Tuy nhiên, đại biểu dẫn chứng hiện việc đi công tác nước ngoài của hiệu trưởng/giám đốc đại học công lập bị quy định hạn chế số lượng và thời gian một lần đi. "Điều này hạn chế việc đào tạo, bồi dưỡng và thúc đẩy hợp tác quốc tế đối với giáo viên là nhà quản lý, cũng như đối với cơ sở đào tạo", ĐBQH Nguyễn Thị Lan nêu ý kiến.
Để giải quyết những bất cập nêu trên, ĐBQH Nguyễn Thị Lan đề xuất, các cấp có thẩm quyền xem xét quy định nên mở thời gian đi công tác nước ngoài tùy thuộc vào nội dung, chương trình của chuyến đi (có kèm theo chương trình, thời gian làm việc tại nước ngoài). Bởi các đoàn công tác thường kết hợp làm việc với các trường, các đối tác nước ngoài để trao đổi về hợp tác nghiên cứu, đào tạo, trao đổi giảng viên vì vậy quy định thời gian đi công tác mỗi nước 3 ngày có lúc chưa phù hợp. Đồng thời, cần quy định nên mở thêm số lần đi công tác nước ngoài với lãnh đạo chủ chốt, cán bộ quản lý, người đứng đầu cơ sở giáo dục để mở rộng hợp tác quốc tế và thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế, quốc tế hóa các cơ sở giáo dục, đặc biệt đối với các trường đại học/học viện.
Có chính sách thu hút người tài
Theo ĐBQH, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, dự thảo Luật Nhà giáo đã bao quát được khá đầy đủ các khía cạnh có liên quan đến nhà giáo, đồng thời thể hiện được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với nhà giáo. Đặc biệt, ĐBQH, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đánh giá dự thảo Luật đã quan tâm đến chính sách tiền lương với nhà giáo với quan điểm chính sách tiền lương của nhà giáo được bố trí ưu tiên. Trong đó, lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng, theo quy định của pháp luật.
Đại biểu cũng đánh giá dự thảo Luật đã thể hiện được quan điểm về thu hút người có trình độ cao, có tài năng, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, người có năng khiếu đặc biệt tham gia tuyển dụng làm nhà giáo; khuyến khích nhà giáo đến công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi... Ngoài ra, tuổi nghỉ hưu của nhà giáo có quy định riêng phù hợp với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp. "Nếu được thông qua, Luật Nhà giáo không chỉ thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với sự nghiệp "trồng người", mà còn là cơ sở và tạo điều kiện để nhà giáo có thể phát triển, ngành giáo dục - đào tạo có cơ hội thu hút những người giỏi, người tài, giúp nền giáo dục nước nhà có cơ hội phát triển và hội nhập quốc tế", ĐBQH, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nhấn mạnh.
Còn ĐBQH Hoàng Văn Cường góp ý, ngoài 8 điểm quy định về nghĩa vụ của nhà giáo tại Điều 9, cần bổ sung và nhấn mạnh việc nhà giáo không chỉ mẫu mực, nêu gương trong hoạt động nghề nghiệp mà cần phải mẫu mực trong sinh hoạt cộng đồng, chuẩn mực trong các hành vi ứng xử xã hội. Đặc biệt, nhà giáo không chỉ tôn trọng, đối xử công bằng, bảo vệ các quyền lợi của người học mà phải có trách nhiệm động viên, khuyến khích, khích lệ để người học phát triển tư duy sáng tạo của cá nhân. Trong đó, cần tôn trọng các ý kiến khác biệt của học sinh, miễn là không vi phạm chuẩn mực đạo đức và pháp luật của người học.
Mặt khác, theo đại biểu, quy định "cấm ép buộc người tham gia học thêm dưới mọi hình thức" chưa phù hợp, bởi thực hiện phương châm không để học sinh lưu ban, nhiều giáo viên có tinh thần trách nhiệm thường phải yêu cầu học sinh có học lực yếu ở lại cuối giờ để kèm thêm để giúp học sinh nắm được kiến thức, theo kịp bạn bè. Đây không phải là động cơ kiếm tiền, cần được khuyến khích.
Phi Long