Mức thu phí thẩm định phê duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy tối thiểu là 500.000 đồng/dự án và tối đa là 150.000.000 đồng/dự án.
Dự thảo đề xuất quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định phê duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy áp dụng cho dự án đầu tư xây dựng công trình, công trình và phương tiện giao thông (gọi chung là dự án) theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Đối với nội dung thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy được thực hiện trong quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở do cơ quan chuyên môn về xây dựng thực hiện thì thực hiện thu phí thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng và phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
Đối với nội dung thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy được thực hiện trong quá trình thẩm định thiết kế phương tiện do cơ quan đăng kiểm thực hiện thì thực hiện thu giá dịch vụ kiểm định theo quy định của pháp luật về quản lý giá.
Mức thu phí thẩm duyệt tối thiểu 500.000 đồng/dự án và tối đa 150.000.000 đồng/dự án
Dự thảo quy định rõ về phương pháp tính mức thu phí thẩm định phê duyệt. Cụ thể:
1. Mức thu phí thẩm định phê duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy (sau đây gọi là mức thu phí thẩm duyệt) đối với dự án xác định theo công thức sau:
Trong đó:
- Tổng mức đầu tư dự án được xác định theo quy định tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng trừ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, chi phí sử dụng đất (tính toán trước thuế).
- Tỷ lệ tính phí được quy định tại Biểu mức tỷ lệ tính phí thẩm định phê duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Trường hợp dự án có tổng mức đầu tư nằm giữa các khoảng giá trị tổng mức đầu tư của dự án ghi trong Biểu mức tỷ lệ tính phí thẩm định phê duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy ban hành kèm theo Thông tư này thì tỷ lệ tính phí được tính theo công thức sau:
Trong đó:
- Nit là tỷ lệ tính phí của dự án thứ i theo quy mô giá trị cần tính (Đơn vị tính: %).
- Git là giá trị tổng mức đầu tư của dự án thứ i cần tính phí thẩm duyệt (Đơn vị tính: Tỷ đồng).
- Gia là giá trị tổng mức đầu tư cận trên giá trị tổng mức đầu tư của dự án cần tính phí thẩm duyệt (Đơn vị tính: Tỷ đồng).
- Gib là giá trị tổng mức đầu tư cận dưới giá trị tổng mức đầu tư của dự án cần tính phí thẩm duyệt (Đơn vị tính: Tỷ đồng).
- Nia là tỷ lệ tính phí của dự án thứ i tương ứng Gia (Đơn vị tính: %).
- Nib là tỷ lệ tính phí của dự án thứ i tương ứng Gib (Đơn vị tính: %).
Mức thu phí thẩm duyệt phải nộp đối với một dự án được xác định theo hướng dẫn tại khoản 1 và khoản 2 nêu trên, mức tối thiểu là 500.000 đồng/dự án và tối đa là 150.000.000 đồng/dự án.
Mức thu phí thẩm duyệt đối với dự án đầu tư xây dựng thiết kế cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng công trình, hạng mục công trình; hoán cải phương tiện giao thông; xây dựng mới hạng mục công trình được xác định theo giá trị tổng mức đầu tư cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng công trình, hạng mục công trình; hoán cải phương tiện giao thông; thiết kế xây dựng mới hạng mục công trình.
Quản lý và sử dụng phí
Tổ chức thu phí được trích lại 60% số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động, cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 82/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí. Số tiền phí còn lại (40%) nộp vào ngân sách nhà nước.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Khánh Linh