Đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, sau khi nghị quyết của Quốc hội được thông qua, Việt Nam chính thức trở thành quốc gia thứ 6 của khu vực ASEAN cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Bộ Y tế đã có tờ trình Chính phủ xin ý kiến với 2 nội dung liên quan đến việc cầm này.
Thứ nhất là giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan tổ chức có liên quan dự thảo Kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 173 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội thực hiện. Kế hoạch này dự kiến sẽ trình Thủ tướng chính phủ ban hành chậm nhất vào quý 1/2025.
Thuốc lá điện tử thiết kế bắt mắt như món đồ chơi hay thức uống. (Ảnh minh họa từ Internet)
Thứ hai, giao Bộ Y tế xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117 ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Cùng đó, Vụ Pháp chế cũng đang đề xuất xây dựng kế hoạch bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với việc chứa chấp và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Bộ Y tế cũng dự kiến đề xuất mức xử phạt vi phạm hành chính với người hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ 1-2 triệu đồng. Bên cạnh đó sẽ có một số biện pháp bắt buộc như cai nghiện thuốc lá điện tử; nếu công chức, viên chức vi phạm gửi thông báo về cơ quan để cơ quan xử lý.
Theo Vụ Pháp chế, cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có lợi thế hơn thuốc lá thông thường, vì cấm cả sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng. Người hút thuốc lá điện tử công khai ngoài công cộng hoặc ở đâu đó khi phát hiện sẽ bị xử phạt. Khi có chế tài, có sự giám sát chặt chẽ, sẽ xử phạt được.
Trên thế giới có 43 quốc gia đã triển khai cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, trong đó có 39 quốc gia cấm hoàn toàn các hoạt động liên quan như buôn bán, quảng cáo, sử dụng, vận chuyển…
Linh Lê (tổng hợp)