Đề xuất năm 2025 xây mới hoặc cải tạo 100 trường học vùng biên giới

Đề xuất năm 2025 xây mới hoặc cải tạo 100 trường học vùng biên giới
7 giờ trướcBài gốc
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa họp triển khai Kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chủ trương đầu tư xây dựng trường học cho các xã biên giới. Tại cuộc họp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất chương trình đầu tư theo hai giai đoạn, theo tinh thần Thông báo 81 của Bộ Chính trị.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa họp triển khai Kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chủ trương đầu tư xây dựng trường học cho các xã biên giới. Ảnh: VGP
Tổng vốn đầu tư xây dựng trường học cho các xã biên giới dự kiến khoảng 37.000 tỷ đồng
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Tấn Dũng cho biết, hiện cả nước có 22 tỉnh, thành phố có xã biên giới đất liền, với 248 xã và 956 trường phổ thông, phục vụ hơn 625.000 học sinh.
Tuy nhiên, chỉ khoảng 1,2% học sinh được học nội trú, trong khi nhu cầu lên tới hơn 332.000 em, phần lớn chưa được đáp ứng. Thiếu thốn cơ sở vật chất – từ phòng học, phòng ở đến nhà ăn, nhà công vụ – đang ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội học tập ổn định của học sinh vùng biên.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất chương trình đầu tư theo hai giai đoạn, theo tinh thần Thông báo 81 của Bộ Chính trị:
Giai đoạn 1 (năm 2025): Xây mới hoặc cải tạo 100 trường, kịp đưa vào sử dụng từ năm học 2026–2027.
Giai đoạn 2 (2026–2027): Mở rộng ra toàn bộ 248 trường thuộc địa bàn xã biên giới.
Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 37.000 tỷ đồng, chủ yếu từ ngân sách Trung ương, kết hợp với nguồn địa phương và xã hội hóa.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Tấn Dũng, việc đầu tư sẽ linh hoạt theo từng địa phương: xây mới nơi có mặt bằng phù hợp, hoặc cải tạo trường sẵn có, tận dụng trụ sở hành chính sau sáp nhập.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Tấn Dũng cũng nêu 3 nhóm giải pháp Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất thực hiện dự án, gồm:
Thứ nhất, rà soát, hoàn thiện các chính sách hiện hành liên quan đến tổ chức trường học vùng biên, xây dựng mô hình trường nội trú liên cấp và cơ chế thu hút, giữ chân giáo viên thông qua hỗ trợ nhà công vụ, phụ cấp.
Thứ hai, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương trong công tác đầu tư xây dựng, điều chỉnh quy hoạch đất đai, thiết kế kiến trúc phù hợp với đặc điểm từng vùng miền như miền núi, Tây Nguyên hay đồng bằng.
Thứ ba, huy động sự tham gia rộng rãi của xã hội thông qua phong trào "Cả nước vì biên giới thân yêu", nhằm thu hút nguồn lực từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cùng chung tay với Nhà nước xây dựng hệ thống trường học kiên cố, hiện đại tại những nơi còn nhiều khó khăn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất chậm nhất ngày 30/8, kinh phí đầu tư xây dựng trường học cho các xã biên giới phải được phân bổ về các địa phương
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã đưa ra các kiến nghị cụ thể nhằm đảm bảo tiến độ và tính khả thi của kế hoạch xây dựng 100 trường vùng biên giới. Theo đs, Bộ trưởng đề xuất Thủ tướng ấn định mốc cụ thể: chậm nhất ngày 30/8, kinh phí phải được phân bổ về các địa phương.
Để đảm bảo tiến độ, các tỉnh thành cần hoàn tất toàn bộ hồ sơ, phương án thiết kế, quy mô và địa điểm xây dựng trường ngay trong tuần đầu tháng 8, gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo để làm căn cứ chuyển Bộ Tài chính thẩm định kinh phí.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhấn mạnh, việc xây dựng trường học cần đảm bảo các tiêu chí tối thiểu, nhưng tránh rập khuôn thiết kế. Theo đó, chỉ đưa ra các tiêu chí, yêu cầu và một số thiết kế gợi ý là mẫu, còn địa phương có thể linh hoạt – có thể trên một mặt phẳng, uốn lượn theo địa hình, hoặc sử dụng nhà sàn cột bê tông cho học sinh ở.
Từ thực tế, các trường có thể xây trên mặt phẳng, theo địa hình, hoặc làm nhà sàn bê tông 1–2 tầng.Diện tích tiêu chuẩn cho trường 1.000 học sinh nội trú là khoảng 5-10 ha.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc xây dựng trường học mới không đơn thuần là thay thế một trường hiện hữu, mà là dịp để tái cấu trúc toàn bộ hệ thống giáo dục trên địa bàn cấp xã. Hiện nhiều xã có tới 17–20 điểm trường nhỏ, phân tán; trường trung tâm khi hoàn thành sẽ gom học sinh từ các điểm trường này về học tập tập trung, đồng thời một số điểm trường lẻ sẽ được giải thể để nâng cao hiệu quả vận hành.
Mô hình tổ chức các trường được xác định là kết hợp giữa nội trú và bán trú: học sinh tiểu học ở gần nhà vẫn học tại các điểm trường hiện có; học sinh ở xa hoặc gần khu vực xây trường mới sẽ học tại trường trung tâm, theo hình thức bán trú hoặc nội trú tùy điều kiện cụ thể.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chủ động tính toán mô hình hoạt động của các trường mới, từ cơ cấu chuyên môn, đội ngũ giáo viên cho tới cơ chế vận hành và các chi phí cụ thể liên quan, tổng hợp trong báo cáo chi tiết gửi Thủ tướng Chính phủ nhằm bảo đảm việc triển khai đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Theo định hướng từ Thông báo 81 của Bộ Chính trị, trong tháng 9/2025, mỗi tỉnh sẽ đăng ký khoảng 2–3 trường để triển khai khởi công. Như vậy, toàn quốc có thể đồng loạt khởi công từ 30 đến 40 trường trong tháng này.
Các trường còn lại sẽ được khởi công rải rác từ tháng 10 đến hết tháng 12, tùy theo mức độ chuẩn bị của từng địa phương. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đặc biệt nhấn mạnh, "điểm rơi" hoàn thành hợp lý nhất là vào dịp hè năm 2026 – thời điểm không làm gián đoạn năm học và thuận tiện để tổ chức lại toàn bộ hệ thống trường lớp, bố trí học sinh từ nhiều điểm trường về trường trung tâm.
PV
Nguồn Công dân & Khuyến học : https://congdankhuyenhoc.vn/de-xuat-nam-2025-xay-moi-hoac-cai-tao-100-truong-hoc-vung-bien-gioi-17925072807510814.htm