Đề xuất nâng mức hỗ trợ HS đóng bảo hiểm y tế: Vì sức khỏe thế hệ tương lai

Đề xuất nâng mức hỗ trợ HS đóng bảo hiểm y tế: Vì sức khỏe thế hệ tương lai
18 giờ trướcBài gốc
Thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh tại Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (Hà Nội). Ảnh: NTCC
Cùng mong mỏi đề xuất này sẽ trở thành hiện thực, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần có thêm nhiều chính sách thiết thực để chăm sóc sức khỏe học sinh, sinh viên trong bối cảnh hiện nay.
Mong mỏi đề xuất thành hiện thực
Trần Ngọc Thảo - học sinh 10A11, Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) cho biết, số tiền bảo hiểm y tế em phải đóng đầu năm học là 668.000 đồng (thời điểm tháng 9/2024). Điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, đầu năm học gia đình phải lo nhiều khoản chi phí học tập nên việc được giảm chi phí đóng bảo hiểm y tế là tin vui, phần nào đỡ được gánh nặng cho cha mẹ.
Cùng là học sinh Trường THPT Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Thị Ngọc Hân - lớp 12A2 chia sẻ: Gia đình hiện có nhiều anh chị em cùng đi học. Trong khi đó, nguồn thu nhập của cha mẹ chỉ đáp ứng đủ sinh hoạt hằng tháng nên khó khăn khi đóng các khoản phí đầu năm. Bởi vậy, em mong muốn đề xuất nâng mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế trở thành hiện thực để giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình.
Chị Lê Thị Chinh (TP Nam Định, Nam Định) có con học chương trình tiên tiến tại Đại học Bách khoa Hà Nội nên số tiền học phí phải chi trả, cùng chi phí sinh hoạt cho con khá lớn. Năm nay, con thứ hai sẽ vào đại học nên việc xoay xở hằng tháng càng trở nên khó khăn. Do vậy, với đề xuất tăng mức hỗ trợ nộp bảo hiểm y tế cho học sinh, theo chị Lê Thị Chinh, đây là chính sách nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với thế hệ tương lai của đất nước.
“Mới đây, Bộ Chính trị đã quyết định miễn học phí cho học sinh công lập từ mầm non đến THPT. Tôi tin rằng, đề xuất trên sẽ được thông qua; để từ đó độ bao phủ bảo hiểm y tế trong học sinh sẽ tăng cường hơn nữa và tăng cơ hội để học sinh được tiếp cận các dịch vụ y tế cần thiết khác. Tuy nhiên, tôi tha thiết mong cơ quan chức năng sẽ tính toán đến cả việc hỗ trợ cho đối tượng là sinh viên vì mức học phí ở đại học cao hơn nhiều, nên gia đình có con học đại học cũng nặng gánh hơn”, chị Lê Thị Chinh bày tỏ.
Theo cô Trần Thị Bích Hạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Hạ Hòa (Hạ Hòa, Phú Thọ), thực tế từ trước đến nay, có nhiều học sinh khó khăn, kể cả trong đóng bảo hiểm y tế. Ngoài học sinh là con em các hộ nghèo, gia đình chính sách, cận nghèo, con em lực lượng vũ trang nhân dân… được hỗ trợ bảo hiểm y tế, còn rất nhiều gia đình kinh tế khó khăn, nhất là với gia đình đông con đi học thì đây thực sự là khoản khá lớn.
Do vậy, dù biết tính ưu việt của bảo hiểm y tế nhưng nhiều học sinh chưa có điều kiện tham gia. Trong những năm qua, nhà trường phải vận động các tổ chức, cá nhân mua tặng thẻ bảo hiểm y tế cho học trò thực sự khó khăn. Vì vậy, tỷ lệ học sinh tham gia bảo hiểm y tế trong nhà trường luôn đạt 100%.
“Nếu mức hỗ trợ bảo hiểm y tế lên đến 50% sẽ giảm một phần chi phí đóng góp đối với học sinh, nhất là các gia đình kinh tế khó khăn. Với nhà trường, khi kinh phí đóng góp giảm, việc huy động tỷ lệ học sinh tham gia theo chỉ tiêu cấp trên giao (100%) sẽ dễ dàng hơn”, cô Trần Thị Bích Hạnh cho hay.
Ảnh minh họa INT.
Tăng nguồn lực chăm sóc sức khỏe toàn diện
Ông Đỗ Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh (Trường Đại học Mở Hà Nội) cho biết: Hiện mức đóng bảo hiểm y tế của sinh viên được tính bằng 4,5% mức lương cơ sở, trong đó Nhà nước hỗ trợ 30%, sinh viên đóng 70%. Với mức lương cơ sở hiện tại là 2.340.000 đồng/tháng, mức đóng bảo hiểm y tế hằng năm cho sinh viên gần 900.000 đồng.
Mặc dù có sự hỗ trợ từ Nhà nước, nhưng đối với số sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, khoản chi phí này có thể là gánh nặng khi còn nhiều khoản chi khác cần trang trải, nhất là chi phí sinh hoạt ở các thành phố lớn ngày càng đắt đỏ.
Nếu được tăng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế sẽ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính, đặc biệt những em có hoàn cảnh khó khăn, từ đó khuyến khích các em tham gia đầy đủ bảo hiểm y tế. Việc chăm sóc sức khỏe của thế hệ trẻ được quan tâm, nâng cao chất lượng cũng góp phần xây dựng nước nhà vững mạnh. Về phía nhà trường, điều này góp phần nâng cao tỷ lệ sinh viên tham gia bảo hiểm y tế, đảm bảo sức khỏe cho các em, giảm thiểu rủi ro trong quá trình học tập và sinh hoạt.
“Trường Đại học Mở Hà Nội luôn quan tâm đến sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều em đến từ vùng sâu, xa, thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo. Không ít em gặp khó khăn trong việc đóng bảo hiểm y tế đúng hạn. Tuy nhiên, nhà trường có các chương trình đồng hành cùng sinh viên, trong đó có quỹ học bổng, quỹ hỗ trợ nhằm san sẻ gánh nặng với các em. Việc này không chỉ giúp các em được chăm sóc sức khỏe đầy đủ, mà còn tiếp thêm động lực để vững bước trên con đường học tập”.
Chia sẻ điều này, ông Đỗ Ngọc Anh cũng bày tỏ, bên cạnh quan tâm hỗ trợ bảo hiểm y tế cho sinh viên, nhà trường mong muốn có thêm nguồn lực để triển khai các chương trình chăm sóc sức khỏe toàn diện cho sinh viên, bao gồm cả sức khỏe thể chất và tinh thần.
Các hoạt động như khám sức khỏe định kỳ, tư vấn tâm lý học đường, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý... là cần thiết. Cùng đó là kỳ vọng có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa nhà trường, cơ sở y tế và cơ quan bảo hiểm để sinh viên được tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Từ thực tế trường phổ thông, cô Trần Thị Bích Hạnh kiến nghị tăng phần hỗ trợ kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các nhà trường (đã có nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế). Mỗi trường nhất thiết có một nhân viên làm nhiệm vụ y tế học đường. Hiện hầu hết nhà trường, nhất là trường miền núi, nông thôn đều chưa có nhân viên y tế học đường.
Người làm nhiệm vụ này đều là kiêm nhiệm, không có chuyên môn, nghiệp vụ về y tế nên công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao. Ngành Y tế cũng cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, tăng cường phối hợp với ngành Giáo dục trong công tác tuyên truyền nâng cao sức khỏe cho học sinh.
Đại diện nhiều cơ sở giáo dục cũng đề xuất sẽ thuận lợi hơn nếu giao bảo hiểm y tế học sinh về địa phương thu theo hộ gia đình, bỏ nhiệm vụ thu hộ tiền bảo hiểm y tế của nhà trường.
Nếu đề nghị nâng mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế được thông qua sẽ là tin vui với học sinh và các nhà trường. Chính sách này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến sự nghiệp giáo dục, học sinh và các phúc lợi xã hội dành cho người học. - Cô Trần Thị Bích Hạnh
Hiếu Nguyễn
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/de-xuat-nang-muc-ho-tro-hs-dong-bao-hiem-y-te-vi-suc-khoe-the-he-tuong-lai-post725793.html