Xử lý hiệu quả vi phạm trong hoạt động quảng cáo
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) bày tỏ mong muốn việc sửa đổi, bổ sung dự thảo luật quan tâm đến các quy định về quản lý và xử lý các vi phạm trong hoạt động quảng cáo.
Đại biểu cho biết, hiện nay, hơn 70% các trường hợp vi phạm quảng cáo trực tuyến bị xử lý chậm do thiếu quy định đồng bộ. Do vậy, đại biểu đề nghị cần bổ sung điều khoản chuyên biệt về quảng cáo trực tuyến vào trong dự thảo luật. Theo đó, xây dựng quy định quản lý các hình thức quảng cáo mới bao gồm quảng cáo trên mạng xã hội, quảng cáo ứng dụng trí tuệ nhân tạo…; đưa ra hướng dẫn rõ ràng về trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên tham gia quảng cáo; thành lập cơ chế phối hợp liên ngành, hợp tác giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Công an để xử lý các vi phạm hiệu quả hơn.
Quang cảnh phiên họp tại hội trường. Ảnh: TRỌNG HẢI
Quan tâm đến việc kiểm soát nội dung quảng cáo trực tuyến, đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định bắt buộc các nền tảng phải rà soát và kiểm duyệt nội dung quảng cáo trước khi hiển thị; thiết lập chế tài mạnh, yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm trong thời hạn 24 giờ. Đặc biệt, nâng mức phạt hành chính đối với hành vi quảng cáo sai sự thật lên đến 2-3 lần lợi ích thu được; công khai danh sách các doanh nghiệp vi phạm để tạo tính răn đe.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quảng cáo trực tuyến, đại biểu Thạch Phước Bình yêu cầu các quảng cáo phải ghi rõ thông tin sản phẩm, dịch vụ, đơn vị chịu trách nhiệm và cơ chế hỗ trợ sau bán hàng. Cùng với đó, ban hành chế tài nghiêm khắc đối với việc sử dụng dữ liệu cá nhân khách hàng một cách trái phép; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về quyền riêng tư và bảo vệ thông tin cá nhân.
Rà soát nội dung về “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo”
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (đoàn Đắk Nông) góp ý với nội dung về người chuyển tải sản phẩm quảng cáo được quy định tại dự thảo luật, đặc biệt về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người chuyển tải quảng cáo.
Tại khoản 8, điều 2 của dự thảo luật quy định: “Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người trực tiếp quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua hoạt động của mình trên mạng xã hội, trong sản phẩm quảng cáo hoặc thông qua hình thức mặc, treo, gắn, dán, vẽ hoặc các hình thức tương tự”. Về nội dung này, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu rà soát, điều chỉnh, bổ sung khái niệm “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” vì quy định về người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có hoạt động trên mạng xã hội có phạm vi còn nhỏ hẹp, chưa đầy đủ.
Đại biểu cũng đề nghị xem xét lại tiêu đề của điều 15a trong dự thảo về “Quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” vì các nội dung quy định tại điều 15a là nghĩa vụ chứ không nhắc đến quyền của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số quyền và lợi ích hợp pháp của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.
Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường. Ảnh: TRỌNG HẢI
Bảo vệ trẻ em trước quảng cáo trên mạng
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, vấn đề bảo vệ trẻ em trước quảng cáo, đặc biệt quảng cáo trên mạng xã hội vẫn còn nhiều khó khăn.
Đại biểu nhấn mạnh, quảng cáo trên mạng rất đa dạng và khó kiểm soát, đặc biệt quảng cáo hiển thị trên các trang web không chính thức, các nhà quảng cáo luôn tìm kiếm những cách thức mới để thu hút sự chú ý của trẻ em. Đôi khi vượt quá giới hạn cho phép của pháp luật. Nhiều phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ tác hại của quảng cáo đối với trẻ em dẫn đến việc không có sự giám sát chặt chẽ. Vì vậy, đề nghị cần quy định trong dự thảo luật về việc bổ sung định nghĩa rõ ràng về quảng cáo nhắm vào trẻ em, bao gồm cả quảng cáo trực tiếp và quảng cáo gián tiếp.
Đại biểu cho rằng, cần quy định chi tiết các nội dung quảng cáo nhắm vào trẻ em, tăng cường các biện pháp xử phạt đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định. Xây dựng một cơ chế giám sát hiệu quả để phát hiện và xử lý các vi phạm. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế với các quốc gia khác để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, cùng nhau xây dựng các tiêu chuẩn chung về quảng cáo nhắm vào trẻ em trên các nền tảng xuyên biên giới.
HOÀNG CHUNG