Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay trên thế giới có 121 Trung tâm tài chính và đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ trong việc trở thành các Trung tâm tài chính hàng đầu, với các sản phẩm hấp dẫn, đổi mới sáng tạo, phù hợp với sự vận động và phát triển.
Hiện Việt Nam đang là điểm sáng về phát triển và tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư, đang dần hội tụ các yếu tố cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành Trung tâm tài chính, có khả năng liên kết với các Trung tâm tài chính trong khu vực và trên thế giới.
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn trong nước và quốc tế thì việc xây dựng Nghị quyết về Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại Việt Nam là hết sức cần thiết.
Cụ thể, tại dự thảo Nghị quyết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nội dung 2 nhóm chính sách, bao gồm: Quy định về số lượng, vị trí, cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm tài chính; các chính sách áp dụng đối với Trung tâm Tài chính.
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là trung tâm tài chính quốc tế toàn diện
Về quy định về số lượng, vị trí, cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mục tiêu của chính sách là thành lập các trung tâm tài chính đúng quy trình, thẩm quyền, phù hợp với quy định pháp luật; Cơ cấu tổ chức, bộ máy các cơ quan quản lý trung tâm tài chính gọn nhẹ hiệu quả, tăng cường phân cấp, phân quyền; chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan quản lý Trung tâm tài chính rõ ràng, đảm bảo tính khả thi khi thực hiện.
Về nội dung của chính sách: Các Trung tâm tài chính tại Việt Nam; Thẩm quyền, trình tự và thủ tục quyết định thành lập Trung tâm tài chính; Các cơ quan quản lý Trung tâm tài chính; Cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban quản lý, điều hành; Cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban giám sát tài chính; Tổ chức và hoạt động của Trung tâm trọng tài quốc tế thuộc Trung tâm tài chính.
Về giải pháp thực hiện chính sách Trung tâm tài chính tại Việt Nam gồm: Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại Thành phố Hồ Chí Minh; Trung tâm tài chính quy mô khu vực tại thành phố Đà Nẵng. Các Trung tâm tài chính được quy định cụ thể về vị trí, địa giới hành chính, diện tích.
Về các chính sách áp dụng đối với Trung tâm tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách vượt trội nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn vốn, công nghệ, phương thức quản lý hiện đại, khuyến khích phát triển kết cấu hạ tầng và hình thành môi trường sống văn minh, chất lượng cao tại Trung tâm tài chính.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các chính sách như: Chính sách thành viên Trung tâm tài chính; Chính sách tiền tệ, ngân hàng và quản lý ngoại hối; Chính sách thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính (fintech); Chính sách tài chính, phát triển thị trường vốn; Chính sách thuế thu nhập cá nhân; Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp; Chính sách về xuất cảnh, nhập cảnh, đi lại và tạm trú; Chính sách về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.
Chính sách về lao động, việc làm, tiền lương và an sinh xã hội trong Trung tâm tài chính quốc tế; Chính sách đối với nhà đầu tư chiến lược; Chính sách về đất đai; về thủ tục xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; xuất khẩu, nhập khẩu và phân phối hàng hóa, dịch vụ; phí, lệ phí; Giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh.
Nếu thành công, Trung tâm tài chính sẽ giúp Việt Nam kết nối thị trường tài chính toàn cầu; thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo ra nguồn lực đầu tư mới, thúc đẩy nguồn lực đầu tư hiện hữu; tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế. Đồng thời, thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam hiệu quả, bắt kịp chuẩn mực quốc tế để góp phần phát triển bền vững kinh tế đất nước, nâng cao vai trò, vị thế, uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thanh An