Đề xuất phổ cập trẻ mầm non từ 3-5 tuổi: Hiệu trưởng trường mầm non phấn khởi

Đề xuất phổ cập trẻ mầm non từ 3-5 tuổi: Hiệu trưởng trường mầm non phấn khởi
12 giờ trướcBài gốc
Tại Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.
Theo đó, tổng dự toán kinh phí được đề xuất để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 3 đến 5 tuổi (giai đoạn 2026 - 2030) là 116.314,1 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí thực hiện chính sách đối với trẻ em mẫu giáo (gồm chi phí học tập, hỗ trợ tiền ăn trưa) là 1.062 tỷ đồng/năm; Kinh phí thu hút, ưu đãi đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên mầm non thực hiện nhiệm vụ phổ cập, trong đó kinh phí hỗ trợ tuyển dụng giáo viên mẫu giáo là 2.827,6 tỷ đồng; Kinh phí hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thực hiện nhiệm vụ phổ cập là 3.296,8 tỷ đồng/năm; Kiên cố hóa trường, lớp học có nhu cầu vốn khoảng 26.651 tỷ đồng.
Xây dựng bổ sung đủ số phòng học trên lớp và số học sinh mỗi lớp không vượt quá quy định của từng cấp học. Nhu cầu vốn khoảng 27.953 tỷ đồng; xây dựng bổ sung phòng học chức năng; thư viện; trang thiết bị dạy học... Tổng kinh phí cần để thực hiện phổ cập cho trẻ từ 3 - 5 tuổi về lĩnh vực cơ sở vật chất để đảm bảo điều kiện tối thiểu theo quy định (chuẩn tối thiểu) là 91.872,5 tỷ đồng (thời gian thực hiện 2026 - 2030).
Trường vùng cao gặp khó khi phổ cập giáo dục mầm non
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Bùi Thị Dung - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Pơ Lăng (huyện Ea Kar, tỉnh Kon Tum) chia sẻ, hiện nay tại trường, số lượng trẻ 3 - 4 tuổi đến lớp vẫn còn thấp hơn khoảng 30 - 40 em so với trẻ 5 tuổi. Đây là một thực tế phổ biến ở nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng III, nơi điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất hạn chế và nhận thức của phụ huynh chưa thực sự đầy đủ.
“Địa phương nằm ở vùng III nên nhiều phụ huynh là hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn hạn chế. Trình độ nhận thức của họ về giáo dục mầm non cũng chưa cao. Vì vậy, nhiều người vẫn chưa thấy được tầm quan trọng của việc cho con đi học sớm, đặc biệt là với trẻ 3 tuổi.
Không ít gia đình có đến 2 - 3 con trong độ tuổi mầm non, nhưng chỉ ưu tiên cho con 5 tuổi đi học để chuẩn bị lên lớp 1, còn lại cho các cháu nhỏ hơn ở nhà”, cô Dung bộc bạch.
Vị nữ hiệu trưởng cho biết, thực tế có những phụ huynh mà các giáo viên phải đến vận động nhiều lần mới có thể thuyết phục được. Nhưng ban ngày, phụ huynh đi làm rẫy, không có ở nhà, nên các cô giáo phải chờ đến tối, khoảng 18 - 19 giờ giờ mới có thể gặp. Nhiều trường hợp, vận động rất vất vả, nhưng phụ huynh vẫn nghĩ mầm non chưa quan trọng nên vẫn để trẻ nhỏ ở nhà.
Còn tại Trường Mầm non Hòa Mục (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn), dù đã huy động được đông đảo trẻ 3 - 5 tuổi đến lớp, nhưng trường lại gặp khó khăn khác về cơ sở vật chất.
Cô Phạm Thị Thảo - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện nay, khó khăn lớn nhất tại trường chính là về cơ sở vật chất, cụ thể là thiếu phòng học, phòng chức năng và sân chơi cho trẻ. Nhà vệ sinh hiện vẫn chưa khép kín, gây khó khăn cho việc chăm sóc các trẻ nhỏ tuổi.
Dù mỗi năm đều báo cáo đề xuất cấp trên hỗ trợ kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất, nhưng vì trường chưa nằm trong lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia nên chưa được đầu tư đồng bộ.
Cô Phạm Thị Thảo - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hòa Mục. Ảnh: Website Trường
“Đa phần, nếu có hỗ trợ cũng chỉ đến từ các tổ chức hoặc đơn vị bên ngoài. Tôi mong muốn trong thời gian tới, nếu chính sách phổ cập cho trẻ từ 3 tuổi được thực hiện, trường sẽ được hỗ trợ thêm kinh phí để mua sắm học liệu, đồ dùng, đồ chơi, đảm bảo trẻ được học tập trong môi trường đầy đủ, an toàn và phát triển tốt nhất”, cô Thảo bộc bạch.
Ngoài ra, cô Thảo cho biết, dù số lượng giáo viên ở trường đáp ứng đủ định mức 2 cô/lớp, tuy nhiên, chất lượng chuyên môn giữa các giáo viên còn chưa đồng đều. Có cô múa tốt nhưng không hát được, có cô kể chuyện giỏi nhưng không biết múa, hát. Điều này tác động nhất định đến hiệu quả chăm sóc, giáo dục trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ 3 - 4 tuổi.
Theo vị hiệu trưởng, việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đặc biệt về kỹ năng sư phạm và hiểu tâm lý trẻ ở độ tuổi “khủng hoảng lên ba” cũng là yếu tố then chốt. Trẻ 3 tuổi cần được chăm sóc nhiều hơn, dễ bướng bỉnh, khó bảo, đòi hỏi giáo viên phải có đủ kiến thức, kỹ năng và sự kiên nhẫn để đồng hành cùng trẻ.
Cô cũng cho biết, những năm trước đây, vẫn còn một số trẻ 3 - 4 tuổi chưa được đến trường do nhà xa hoặc địa bàn rải rác. Tuy nhiên, khi điều kiện sống cải thiện thì tỷ lệ trẻ đến lớp ngày càng tăng.
Cũng gặp khó trong việc đảm bảo cơ sở vật chất nhằm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 - 5 tuổi, cô Hoàng Thị Quý - Hiệu trưởng Trường Mầm non Bộc Bố (huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) cho biết, hiện nay, trường chính nơi cô công tác đang gặp nhiều bất cập. Cơ sở vật chất đã xuống cấp, lớp học cũ kỹ, không gian chật hẹp và địa điểm trường hiện tại cũng không còn phù hợp.
“Trường nằm trên một địa hình tả ly khá cao, phía dưới là khu dân cư, diện tích thì hạn chế, không đảm bảo tiêu chuẩn xây dựng theo quy định. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị và mong muốn được đầu tư xây dựng lại trên một khu đất mới đảm bảo hơn, nhưng kinh phí giao xuống chỉ đủ để xây thêm một vài phòng học, còn về tổng thể thì hệ thống vẫn chưa đạt chuẩn.
Gọi là có lớp, có phòng học thôi, nhưng để đạt đúng quy chuẩn thì chúng tôi vẫn chưa thể đáp ứng. Ở các điểm trường lẻ thì vẫn còn tồn tại những lớp bán kiên cố, sân chơi nhỏ và thiếu thiết bị hỗ trợ dạy học cho trẻ nhỏ", cô Quý bộc bạch.
Cô Hoàng Thị Quý - Hiệu trưởng Trường Mầm non Bộc Bố. Ảnh: Website Trường
Ngoài ra, đội ngũ giáo viên tại trường cũng chưa đạt đủ định mức tính theo số lượng học sinh. Đặc biệt ở các điểm trường, do số lượng trẻ ít, nhà trường phải ghép lớp có nhiều độ tuổi với nhau, dẫn đến việc một giáo viên phải đảm nhiệm chăm sóc và giảng dạy cho nhiều trẻ ở bốn độ tuổi. Điều này gây không ít khó khăn.
“Giáo viên rất vất vả, mà cũng không thể tách lớp vì số lượng học sinh không đủ. Mỗi độ tuổi lại cần một chương trình riêng, kỹ năng và cách giáo dục cũng rất khác biệt. Tôi cho rằng, để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 - 5 tuổi hiệu quả, việc thực hiện các nhóm giải pháp như Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra là vô cùng cấp thiết", cô Quý nhấn mạnh thêm.
Trường mầm non phấn khởi, chờ được hỗ trợ toàn diện
Để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 - 5 tuổi, Chính phủ đề nghị Quốc hội quy định nâng mức hỗ trợ tiền ăn trưa so với quy định hiện hành cho trẻ em mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi. Ngoài ra, Chính phủ cũng đề nghị quy định chính sách đặc thù để hỗ trợ, thu hút, ưu đãi với giáo viên mầm non; đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non để thực hiện chính sách phổ cập giáo dục cho trẻ mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi.
Trước những khó khăn hiện hữu, cô Bùi Thị Dung chia sẻ, việc chi kinh phí cho tuyển dụng giáo viên, kiên cố hóa trường, lớp học, xây dựng bổ sung đủ số phòng học là một chính sách vô cùng thiết thực. Theo cô, nếu dự thảo được triển khai, sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc lớn nhất hiện nay tại cơ sở giáo dục mầm non vùng khó, bao gồm: thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên, khó khăn trong việc huy động trẻ đến trường và gánh nặng tài chính của phụ huynh.
Hiện nay, tại trường Hoa Pơ Lăng, tỷ lệ trẻ 3 - 4 tuổi đến lớp đông nhất là ở điểm trường chính. Tuy nhiên, nghịch lý là nơi đông học sinh lại đang thiếu phòng học, thiếu thiết bị dạy học, khu vui chơi chưa đáp ứng nhu cầu của trẻ. Các điểm lẻ thì số lượng học sinh ít, nhưng cơ sở vật chất cũng còn hạn chế hơn nhiều so với trường chính.
Cô Bùi Thị Dung - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Pơ Lăng. Ảnh: NVCC
Cô Dung đánh giá, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất chi cho cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 3 - 5 tuổi (giai đoạn 2026 - 2030) là rất quan trọng và cần được ưu tiên thực hiện ở các điểm trường vùng sâu. Nếu được giao kinh phí, trường sẽ lập tức lập kế hoạch những đầu mục cần sửa chữa, xây dựng mới, đảm bảo tận dụng nguồn kinh phí một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, về chính sách hỗ trợ cho trẻ mầm non, mặc dù học phí hiện nay phần lớn đã được miễn, nhưng chi phí ăn bán trú và học liệu cho trẻ vẫn là một gánh nặng lớn đối với phụ huynh có kinh tế thấp.
Cô Dung nhấn mạnh: “Nếu có chính sách hỗ trợ tiền chi phí học tập, mua học liệu, chi phí tiền ăn thêm thì sẽ thu hút học sinh đến lớp rất hiệu quả. Bởi phụ huynh thường không cho trẻ đi học không chỉ vì nhận thức mà còn vì lo con đến trường sẽ phát sinh chi phí sinh hoạt, ăn uống mỗi ngày. Nếu những khoản này được nhà nước hỗ trợ, phụ huynh sẽ bớt lo lắng hơn nhiều”.
Về phía đội ngũ giáo viên, cô Dung cho biết, đối với trẻ 3 - 4 tuổi, yêu cầu chăm sóc cao hơn nhiều so với trẻ 5 tuổi. Trẻ chưa thể tự lập, lại mới làm quen với môi trường học tập nên cần sự quan tâm đặc biệt từ giáo viên.
Trong khi đó, hiện tại, tỷ lệ giáo viên tại trường chỉ đạt 1,9 cô/lớp, chưa đủ định mức, đặc biệt khó khăn khi tổ chức dạy học và chăm sóc bán trú. Nữ hiệu trưởng cho rằng nếu được phân bổ tăng định mức giáo viên/lớp đối với các lớp nhỏ tuổi sẽ giúp nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục hơn nhiều. Bởi với lượng học sinh tương đương, nhưng trẻ 3 tuổi cần được chăm sóc kỹ lưỡng hơn nhiều so với trẻ 5 tuổi.
Ngoài các chính sách của nhà nước, cô Dung cũng kỳ vọng có thêm sự đồng hành từ các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân thiện nguyện… để hỗ trợ đồ dùng, đồ chơi, cơ sở vật chất cho các điểm trường vùng khó.
“Khi được đầu tư đầy đủ thì không cần phải xã hội hóa nhiều từ phụ huynh, bởi phụ huynh tại các địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa vốn cũng đang trong diện khó khăn”, cô chia sẻ.
Nữ hiệu trưởng bày tỏ hy vọng khi chính sách phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 - 5 tuổi được thực hiện đồng bộ, cùng với các hỗ trợ về tài chính và cơ sở vật chất, việc đưa các em đến lớp sẽ bớt khó khăn hơn, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của trẻ ngay từ những năm đầu đời.
Có cùng tâm trạng vui mừng trước thông tin phổ cập giáo dục mầm non từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, cô Hoàng Thị Quý cho biết, hiện tại nhà trường đang huy động được tổng cộng 252 trẻ ở độ tuổi mầm non: trong đó có 75 trẻ 3 tuổi, 93 trẻ 4 tuổi và 84 trẻ 5 tuổi. Đây là kết quả của nhiều năm kiên trì tuyên truyền, vận động và xây dựng niềm tin với phụ huynh địa phương.
Theo cô Quý, chủ trương mở rộng phổ cập mầm non từ độ tuổi 3 - 5 tuổi thay vì chỉ tập trung vào trẻ 5 tuổi là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn và thiết thực. Việc phổ cập giáo dục ở cả ba độ tuổi sẽ thúc đẩy sự đầu tư đồng bộ hơn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, cũng như nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục cho trẻ.
Số lượng trẻ từ 3 - 4 tuổi ra lớp tại Trường Mầm non Bộc Bố đạt mức cao, là tín hiệu mừng tại địa phương. Ảnh: Website Trường.
“Nếu được thực hiện đầy đủ, phổ cập sẽ giúp công tác giáo dục được nâng cao hơn rất nhiều, cả về chất lượng lẫn hiệu quả. Là một trường thuộc khu vực III , vùng đặc biệt khó khăn, để đạt được tỷ lệ trẻ 3 tuổi ra lớp cao như hiện nay, nhà trường đã thực hiện công tác tuyên truyền, phối hợp với phụ huynh và chính quyền địa phương từ nhiều năm trước. Chính sự tin tưởng của phụ huynh vào chất lượng chăm sóc, giáo dục tại trường là yếu tố then chốt giúp họ mạnh dạn đưa con đến lớp từ sớm”, cô nhận định.
Khi được hỏi về tác động của đề xuất phổ cập giáo dục cho trẻ 3 - 5 tuổi, cô Quý khẳng định đây là một chính sách sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả học sinh, giáo viên lẫn nhà trường. Việc trẻ đến trường từ sớm sẽ giúp các em được học tập, phát triển toàn diện cả về nhận thức, tình cảm, kỹ năng xã hội cũng như đạo đức. Các em làm quen với môi trường giáo dục sớm, tiếp cận kiến thức, kỹ năng sớm hơn thì quá trình học lên lớp lớn cũng sẽ thuận lợi hơn.
Cô Quý nhận định, các trường mầm non rất kỳ vọng vào việc phổ cập giáo dục mầm non, bên cạnh đó cũng mong mỏi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước nhằm xây dựng một trường mẫu giáo chất lượng, hạnh phúc.
"Nếu được giao kinh phí sửa sang trường lớp, mua sắm trang thiết bị, trường sẽ tận dụng để thực hiện nhiều việc nhất có thể. Điều này không chỉ mang lại không gian học lý tưởng cho học sinh, mà còn giúp giáo viên có môi trường làm việc đầy đủ điều kiện, từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy. Đây là một đề xuất tích cực không chỉ với học sinh, mà còn với đội ngũ giáo viên và cả hệ thống giáo dục mầm non", cô Quý khẳng định.
Ngọc Huyền
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/de-xuat-pho-cap-tre-mam-non-tu-3-5-tuoi-hieu-truong-truong-mam-non-phan-khoi-post250739.gd