Đề xuất Quốc hội 8 nhóm chính sách đặc thù phát triển metro ở TPHCM và Hà Nội

Đề xuất Quốc hội 8 nhóm chính sách đặc thù phát triển metro ở TPHCM và Hà Nội
16 giờ trướcBài gốc
Bộ GTVT đề xuất nhiều chính để phát triển hệ thống metro tại TPHCM và Hà Nội. Ảnh: Đạt Thành
Bộ GTVT vừa gửi tờ trình dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, TPHCM đến năm 2035.
Cụ thể, tại phần nội dung huy động vốn, Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng được quyết định phát hành trái phiếu Chính phủ, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương và huy động vốn ODA.
Bộ cũng đề xuất cho phép ngân sách trung ương cân đối, bổ sung vốn cho ngân sách địa phương trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030 và 2031-2035. Hội đồng nhân dân thành phố cân đối, bố trí vốn ngân sách địa phương cho các dự án, dự án được bố trí vốn qua các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn, không giới hạn phần vốn chuyển tiếp.
Ngoài ra, UBND thành phố được quyền bố trí vốn để chuẩn bị đầu tư, chi trả các chi phí liên quan đến dự án, được vay với tổng dư nợ vay không quá 120% số thu ngân sách được hưởng.
Bộ GTVT cũng đưa ra một loạt đề xuất nhằm rút gọn các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án được triển khai nhanh chóng. Trong đó, các dự án được tối giản hóa thủ tục đầu tư, UBND thành phố được quyết định chia nhỏ dự án thành các gói thầu nhỏ hơn, trao quyền chỉ định nhà thầu và sử dụng vốn dự phòng để đảm bảo tiến độ dự án, tách riêng công tác bồi thường.
Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất cho phép UBND thành phố quyết định chuyển nhượng chỉ tiêu quy hoạch trong khu vực TOD, Hội đồng nhân dân thành phố sẽ quy định chi tiết thủ tục chuyển nhượng chỉ tiêu quy hoạch và sử dụng ngân sách địa phương được sử dụng để đầu tư phát triển đô thị trong khu vực TOD.
Các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực đường sắt sẽ được hưởng các ưu đãi như: đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu và miễn thuế thu nhập từ hoạt động khoa học công nghệ.
Các nhà thầu sẽ được khuyến khích sử dụng sản phẩm, hàng hóa trong nước, đồng thời phải cam kết chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực Việt Nam. UBND thành phố được phép điều chỉnh việc khai thác mỏ khoáng sản để phục vụ dự án.
Khi lựa chọn nhà thầu nước ngoài, cần có sự tham gia của các cơ quan chức năng như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ. Ngoài ra, hồ sơ tổng mức đầu tư phải được kiểm toán kỹ lưỡng trước khi phê duyệt.
Đặc biệt, Bộ GTVT dành riêng 1 điều để đề xuất các quy định áp dụng riêng cho TPHCM. Cụ thể, UBND TPHCM được điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, không cần lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện nếu đã có quy hoạch phân khu.
Bên cạnh đó, thành phố có quyền điều chỉnh quy hoạch chi tiết cục bộ để phù hợp với mô hình TOD, được thu và sử dụng 100% tiền từ khai thác giá trị đất, phí cải thiện hạ tầng để phát triển hệ thống giao thông công cộng.
Hội đồng nhân dân thành phố quyết định việc quản lý, vận hành, khai thác khu vực TOD và hệ thống đường sắt đô thị. TPHCM được vay vốn qua phát hành trái phiếu, vay tổ chức tài chính trong nước và quốc tế, lựa chọn tiêu chuẩn kỹ thuật riêng cho các tuyến metro và chủ trì việc cấp phép môi trường trước khi vận hành thử nghiệm dự án.
Gia Nghi
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/de-xuat-quoc-hoi-8-nhom-chinh-sach-dac-thu-phat-trien-metro-o-tphcm-va-ha-noi/