Đề xuất quy định bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh giảng dạy ở trường trung học phổ thông trong CAND

Đề xuất quy định bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh giảng dạy ở trường trung học phổ thông trong CAND
một ngày trướcBài gốc
Tiêu chuẩn chung của các chức danh giảng dạy bảo đảm tiêu chuẩn của giáo viên quy định tại Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019.
Bộ Công an cho biết, trong Công an nhân dân hiện đã quy định về bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm chức danh giảng dạy ở cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Thông tư số 17/2023/TT-BCA ngày 15/5/2023. Tuy nhiện, hiện chưa có quy định về bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm chức danh giảng dạy ở trường trung học phổ thông trong Công an nhân dân.
Do vậy, Bộ Công an đã xây dựng dự thảo Thông tư quy định về bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh giảng dạy ở trường trung học phổ thông trong Công an nhân dân nhằm định danh vị trí công việc của sĩ quan, hạ sĩ quan làm công tác giảng dạy, giáo dục ở trường trung học phổ thông trong Công an nhân dân tương ứng với trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo theo quy định của Nhà nước và của Bộ Công an; đảm bảo liên thông, đồng bộ với các quy định hiện hành của Nhà nước về chức danh giảng dạy của giáo viên trung học phổ thông và phù hợp thực tiễn hoạt động giáo dục trung học phổ thông trong Công an nhân dân; làm căn cứ để xác định ngạch chức danh của giáo viên trung học phổ thông trong Công an nhân dân.
Chức danh giảng dạy ở trường trung học phổ thông trong Công an nhân dân gồm: Giáo viên, Giáo viên chính, Giáo viên cao cấp
Trên cơ sở thực tế việc bố trí chức danh theo vị trí việc làm hiện nay được chia thành 3 hạng (hạng III, hạng II, hạng I) hoặc 3 ngạch (sơ cấp, trung cấp, cao cấp); để bảo đảm các chức danh giảng dạy của giáo viên trung học phổ thông trong Công an nhân dân liên thông, đồng bộ với Thông tư số 04/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường phổ thông công lập nhưng dễ đọc, dễ nhớ và phù hợp với thực tế trong Công an nhân dân chỉ có một cấp học giáo dục phổ thông; dự thảo Thông tư đã đề xuất các chức danh giảng dạy ở trường trung học phổ thông trong Công an nhân dân gồm: Giáo viên, Giáo viên chính, Giáo viên cao cấp.
Tiêu chuẩn, nhiệm vụ của các chức danh giảng dạy
Về tiêu chuẩn chung của các chức danh giảng dạy, Điều 3 dự thảo quy định viện dẫn các tiêu chuẩn chung đối với nhà giáo được quy định tại Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019, Thông tư số 04/2021/TT-BGDĐT (để đảm bảo không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác); đồng thời quy định tiêu chuẩn theo đặc thù của lực lượng Công an nhân dân về bồi dưỡng pháp luật, nghiệp vụ 06 tháng trở lên.
Về nhiệm vụ chung của các chức danh giảng dạy, Điều 4 dự thảo quy định viện dẫn các nhiệm vụ của nhà giáo được quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 04/2021/TT-BGDĐT; đồng thời quy định các nhiệm vụ theo quy định hiện hành của Bộ Công an về phối hợp trong công tác quản lý, giáo dục học sinh và nghĩa vụ, trách nhiệm của sỹ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân (Điều 31 Luật Công an nhân dân).
Bên cạnh tiêu chuẩn, nhiệm vụ chung, dự thảo cũng đề xuất các quy định cụ thể về nhiệm vụ, tiêu chuẩn đối với từng chức danh.
Cụ thể, đối với chức danh Giáo viên, dự thảo quy định theo nhiệm vụ, tiêu chuẩn của Giáo viên THPT hạng III quy định tại Thông tư số 04/2021/TT-BGDĐT để đảm bảo đồng bộ quy định về hoạt động chuyên môn của giáo viên; đồng thời quy định tiêu chuẩn theo đặc thù của lực lượng Công an nhân dân là phải có trình độ sơ cấp lý luận chính trị.
Đối với chức danh Giáo viên chính, trên cơ sở quy định về nhiệm vụ, tiêu chuẩn của Giáo viên THPT hạng II quy định tại Thông tư số 04/2021/TT-BGDĐT; dự thảo đã bổ sung tiêu chuẩn về trình độ lý luận chính trị, đồng thời bổ sung, chỉnh lý phù hợp với quy định về cấp khen thưởng trong Công an nhân dân. Cụ thể, giáo viên chính phải có trình độ trung cấp lý luận chính trị; trong thời gian đảm nhiệm chức danh Giáo viên được tặng giấy khen cấp Cục hoặc tương đương trở lên; hoặc công nhận là chiến sĩ thi đua cơ sở hoặc giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh trở lên.
Về tiêu chuẩn thời gian đảm nhiệm chức danh Giáo viên từ đủ 9 năm trở lên theo quy định tại Thông tư số 04/2021/TT-BGDĐT; dự thảo bổ sung quy định rút ngắn thời gian đảm nhiệm chức danh Giáo viên từ đủ 8 năm nếu có bằng thạc sĩ nhằm khuyến khích đội ngũ giáo viên học tập để nâng cao trình độ phục vụ công tác giảng dạy.
Đối với chức danh Giáo viên cao cấp, trên cơ sở quy định về nhiệm vụ, tiêu chuẩn của Giáo viên THPT hạng I quy định tại Thông tư số 04/2021/TT-BGDĐT; dự thảo đã bổ sung, chỉnh lý phù hợp với quy định về hình thức thi đua, cấp khen thưởng trong Công an nhân (trong thời gian đảm nhiệm chức danh Giáo viên chính có 3 lần được công nhận là chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên và được tặng bằng khen cấp Bộ hoặc tương đương trở lên hoặc 3 giấy khen cấp Cục hoặc (và) tương đương trở lên).
Về tiêu chuẩn thời gian đảm nhiệm chức danh Giáo viên chính từ đủ 6 năm trở lên theo quy định tại Thông tư số 04/2021/TT-BGDĐT; dự thảo bổ sung quy định rút ngắn thời gian đảm nhiệm chức danh Giáo viên chính từ đủ 4 năm trở lên nếu có trình độ tiến sĩ nhằm khuyến khích đội ngũ giáo viên học tập để nâng cao trình độ phục vụ công tác giảng dạy, giáo dục và nghiên cứu khoa học.
Thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh giảng dạy
Về thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh giảng dạy, Bộ Công an cho biết, trên cơ sở quy định tại Thông tư số 34/2023/TT-BCA ngày 02/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định phân công trách nhiệm giữa Công an các cấp về một số vấn đề trong công tác tổ chức cán bộ của lực lượng Công an nhân dân; Thông tư số 87/2021/TT-BCA ngày 15/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục Đào tạo và Quyết định số 7399/QĐ-BCA ngày 15/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an về tổ chức bộ máy của Cục Đào tạo; dự thảo quy định:
Cục trưởng Cục Đào tạo quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh: Giáo viên, Giáo viên chính.
Bộ trưởng Bộ Công an quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm chức danh Giáo viên cao cấp.
Các trường hợp bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm chức danh giảng dạy
Dự thảo quy định cụ thể các trường hợp bổ nhiệm gồm:
a) Bổ nhiệm theo tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể của các chức danh giảng dạy;
b) Trường hợp đã miễn nhiệm chức danh giảng dạy do điều động, chuyển công tác khác, sau khi được điều động trở lại để làm công tác giảng dạy, nếu bảo đảm tiêu chuẩn của chức danh nào thì bổ nhiệm chức danh đó và được bảo lưu thời gian đảm nhiệm chức danh trước khi miễn nhiệm;
c) Trường hợp trong niên hạn đảm nhiệm chức danh giảng dạy, nếu có 01 năm học xếp loại cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bị kỷ luật thì phải kéo dài niên hạn từ đủ 12 tháng trở lên mới được xem xét bổ nhiệm;
d) Trường hợp đã được bổ nhiệm chức danh giảng dạy trước khi được tuyển chọn hoặc điều động làm công tác giảng dạy, nếu bảo đảm tiêu chuẩn của chức danh nào thì bổ nhiệm chức danh đó; nếu chưa được bổ nhiệm chức danh giảng dạy thì phải xét từ tập sự giảng dạy để bổ nhiệm từng chức danh theo quy định;
đ) Trường hợp miễn nhiệm do có 02 năm học liên tục xếp loại cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, sau thời hạn ít nhất là 24 tháng kể từ ngày có quyết định miễn nhiệm, nếu các năm học sau khi bị miễn nhiệm đều được xếp loại cán bộ từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, có đủ tiêu chuẩn theo quy định và có nguyện vọng được xét bổ nhiệm chức danh giảng dạy thì được xem xét điều động làm công tác giảng dạy và bổ nhiệm lại chức danh giảng dạy trước khi miễn nhiệm.
Các trường hợp miễn nhiệm, bãi nhiệm:
a) Căn cứ miễn nhiệm: Không tiếp tục làm công tác giảng dạy do chuyển ngành, xuất ngũ hoặc điều động đến Công an đơn vị, địa phương; không có nguyện vọng tiếp tục tham gia giảng dạy hoặc không tiếp tục được giao nhiệm vụ giảng dạy khi có quyết định điều động đến đơn vị không làm công tác giảng dạy thuộc cơ sở giáo dục; có 03 năm học liên tục không giảng dạy (trừ các trường hợp được cử đi đào tạo dài hạn tập trung liên tục hoặc thực hiện nhiệm vụ tại Công an đơn vị, địa phương theo quyết định của cấp có thẩm quyền) hoặc có 02 năm học liên tục xếp loại cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ;
b) Căn cứ bãi nhiệm: Khi giáo viên không còn đảm bảo tiêu chuẩn hoặc trình độ, năng lực không đáp ứng được vị trí chức danh đang đảm nhiệm hoặc vi phạm các quy chế, quy định về giáo dục, đào tạo, về đạo đức, tư cách nhà giáo, vi phạm pháp luật hoặc các vi phạm khác dẫn đến xử lý kỷ luật theo quy định của Bộ Công an (các trường hợp bị tước danh hiệu Công an nhân dân, bị khởi tố thì đương nhiên bãi nhiệm);
c) Tại quyết định miễn nhiệm, bãi nhiệm chức danh giảng dạy phải nêu rõ căn cứ miễn nhiệm, bãi nhiệm; nếu thuộc biên chế cơ hữu của đơn vị làm công tác giảng dạy thì Cục trưởng Cục Đào tạo quyết định điều chuyển công tác khác.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Hoa Hoa
Nguồn Chính Phủ : https://baochinhphu.vn/de-xuat-quy-dinh-bo-nhiem-mien-nhiem-cac-chuc-danh-giang-day-o-truong-trung-hoc-pho-thong-trong-cand-102250221161546285.htm