Đề xuất quy định mở tài khoản bằng đồng Việt Nam để thực hiện đầu tư gián tiếp nước ngoài

Đề xuất quy định mở tài khoản bằng đồng Việt Nam để thực hiện đầu tư gián tiếp nước ngoài
5 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa
Dự thảo nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam
NHNN cho biết, hiện nay, quy định về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam thực hiện theo quy định tại Thông tư 05/2014/TT-NHNN, theo đó, quy định một số nội dung cụ thể về: đối tượng mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp, nguyên tắc chung; các hình thức đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam; sử dụng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp (các giao dịch thu, chi được thực hiện thông qua tài khoản này); quyền, nghĩa vụ của tổ chức tín dụng (TCTD) được phép và nhà đầu tư nước ngoài; chế độ báo cáo, công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm.
Thực hiện mục tiêu nâng hạng và phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam, tại Thông báo Kết luận số 122/TB-VPCP ngày 27/3/2024 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, rút ngắn quy trình mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia vào thị trường chứng khoán.
Do đó, NHNN cho rằng cần thiết phải xây dựng thông tư thay thế Thông tư 05 để giải quyết các vướng mắc của nhà đầu tư nước ngoài về: Đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, quy trình mở tài khoản đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài (không yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự đối với hồ sơ, tài liệu bằng tiếng nước ngoài); mở tài khoản đầu tư gián tiếp bằng phương thức điện tử; cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mở nhiều tài khoản đầu tư gián tiếp tương ứng với mã số giao dịch chứng khoán được cấp.
Bên cạnh đó, cơ sở pháp lý làm căn cứ xây dựng Thông tư 05 không còn phù hợp: Căn cứ pháp lý xây dựng Thông tư 05 dựa trên Luật Đầu tư 2005, hiện nay đã được thay thế bằng Luật Đầu tư 2020, Luật Chứng khoán 2006 được thay thế bằng Luật Chứng khoán 2019 và Luật TCTD 2010 đã được thay thế bằng Luật TCTD 2024.
Pháp lệnh ngoại hối (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định, nhà đầu tư nước ngoài phải mở tài khoản đầu tư gián tiếp để thực hiện đầu tư gián tiếp tại Việt Nam. Tuy nhiên, Thông tư 05 lại quy định là tài khoản vốn đầu tư gián tiếp.
“Xuất phát từ cơ sở pháp lý và thực tiễn nêu trên, việc xây dựng Thông tư thay thế Thông tư 05 là cần thiết để triển khai các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam theo chỉ đạo của Chính phủ và đáp ứng yêu cầu quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam trong tình hình mới” - NHNN khẳng định.
Quy định số dư trên tài khoản đầu tư gián tiếp không được chuyển sang tiền gửi có kỳ hạn
Theo đó, tại Dự thảo quy định các nguyên tắc về mở và sử dụng tài khoản bằng đồng Việt Nam để thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam như sau: Hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện theo các quy định của pháp luật về đầu tư, chứng khoán và quy định của pháp luật có liên quan.
Mọi giao dịch thu, chi liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thông qua tài khoản bằng đồng Việt Nam (sau đây gọi là tài khoản đầu tư gián tiếp).
Thủ tục mở, đóng, phong tỏa, ủy quyền tài khoản, trả lãi đối với số dư trên tài khoản, việc đảm bảo an toàn, bảo mật trong mở và sử dụng tài khoản được thực hiện theo quy định của pháp luật về mở và sử dụng tài khoản thanh toán, trừ các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này và khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 4 Thông tư này.
Các quy định về quyền và nghĩa vụ của ngân hàng được phép và nhà đầu tư nước ngoài trong việc mở và sử dụng tài khoản đầu tư gián tiếp thực hiện theo quy định của pháp luật về mở và sử dụng tài khoản thanh toán.
Ngân hàng được phép nơi nhà đầu tư nước ngoài mở tài khoản được phép thu thập, xác minh và đối chiếu khớp đúng thông tin nhận biết khách hàng thông qua bên thứ ba theo quy định hiện hành của pháp luật về phòng chống rửa tiền trong trường hợp không sử dụng được phương pháp thu thập thông tin, dữ liệu và đối chiếu khớp đúng thông tin sinh trắc học theo quy định của pháp luật về mở và sử dụng tài khoản thanh toán. Ngân hàng được phép nơi nhà đầu tư nước ngoài mở tài khoản tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, tính chính xác về các tài liệu, thông tin, dữ liệu để xác minh, đối chiếu khớp đúng thông tin nhận biết khách hàng.
Số dư trên tài khoản đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài không được chuyển sang tiền gửi có kỳ hạn và tiền gửi tiết kiệm.
Quy định mở tài khoản đầu tư gián tiếp
Để giải quyết các vướng mắc của nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam, dự thảo Thông tư quy định:
Nhà đầu tư nước ngoài phải mở 01 tài khoản đầu tư gián tiếp bằng đồng Việt Nam (trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4) tại 01 ngân hàng được phép để thực hiện các giao dịch thu, chi liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam.
NHNN cho biết, theo quy định tại Thông tư 05, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được phép mở 1 tài khoản vốn đầu tư gián tiếp để thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về chứng khoán (khoản 2 Điều 145 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ), các Quỹ đầu tư nước ngoài, tổ chức nước ngoài được quản lý bởi nhiều công ty quản lý quỹ nước ngoài, tổ chức đầu tư thuộc Chính phủ nước ngoài được đăng ký nhiều hơn 01 mã số giao dịch chứng khoán và được phép mở nhiều tài khoản lưu ký chứng khoán tương ứng với mã số giao dịch chứng khoán được cấp. Trên cơ sở quy định pháp luật về chứng khoán, dự thảo Thông tư đề xuất quy định các trường hợp được mở nhiều tài khoản đầu tư gián tiếp tương ứng với mã số giao dịch chứng khoán được cấp:
Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam được mở nhiều tài khoản đầu tư gián tiếp tại 01 ngân hàng được phép trong các trường hợp sau đây:
Nhà đầu tư nước ngoài là công ty chứng khoán nước ngoài được mở 02 tài khoản đầu tư gián tiếp tương ứng với 02 mã số giao dịch chứng khoán được cấp: 01 tài khoản đầu tư gián tiếp cho hoạt động tự doanh của mình và 01 tài khoản đầu tư gián tiếp cho hoạt động môi giới chứng khoán của công ty.
Nhà đầu tư nước ngoài là Quỹ đầu tư nước ngoài, tổ chức nước ngoài được quản lý bởi nhiều công ty quản lý quỹ nước ngoài được mở nhiều tài khoản đầu tư gián tiếp tương ứng với mã số giao dịch chứng khoán được cấp, trong đó mỗi danh mục đầu tư được quản lý bởi một công ty quản lý quỹ nước ngoài được mở 01 tài khoản đầu tư gián tiếp tương ứng với 01 mã số giao dịch chứng khoán được cấp; danh mục đầu tư do quỹ đầu tư, tổ chức nước ngoài tự quản lý mà đã được cấp một mã số giao dịch chứng khoán riêng thì được mở 01 tài khoản đầu tư gián tiếp tương ứng;
Nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức đầu tư thuộc chính phủ nước ngoài hoặc nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức đầu tư, tài chính thuộc tổ chức tài chính quốc tế mà Việt Nam là thành viên được mở nhiều tài khoản đầu tư gián tiếp tương ứng với các mã số giao dịch chứng khoán được cấp, trong đó mỗi danh mục đầu tư lưu ký tại một ngân hàng lưu ký đã được cấp 01 mã số giao dịch chứng khoán thì được mở 01 tài khoản đầu tư gián tiếp tương ứng.
Sử dụng tài khoản đầu tư gián tiếp
Tài khoản đầu tư gián tiếp được sử dụng để thực hiện các giao dịch thu chi liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam sau đây:
Đối với phần thu, Dự thảo quy định thu từ bán ngoại tệ cho ngân hàng được phép; Thu từ chuyển nhượng vốn góp, cổ phần, bán chứng khoán và các giấy tờ có giá khác; nhận cổ tức, lãi từ trái phiếu và giấy tờ có giá phát sinh bằng đồng Việt Nam; lợi nhuận được chia từ hoạt động góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp từ hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam; Thu chuyển khoản từ tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài mở tại ngân hàng được phép;
Thu chuyển khoản từ tài khoản của công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán, các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức tại Việt Nam được phép thực hiện nghiệp vụ nhận ủy thác đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật (áp dụng trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đầu tư gián tiếp tại Việt Nam dưới hình thức ủy thác đầu tư);
Thu chuyển khoản các khoản lãi và nguồn thu hợp pháp khác khi thực hiện giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức theo quy định hiện hành của pháp luật về chứng khoán;
Các giao dịch thu hợp pháp khác bằng đồng Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam.
Đối với phần chi, Dự thảo quy định: Chi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, cổ phiếu và các giấy tờ có giá khác; Chi mua ngoại tệ tại ngân hàng được phép để chuyển vốn, lợi nhuận và các nguồn thu hợp pháp ra nước ngoài; Chi chuyển khoản sang tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài mở tại ngân hàng được phép;
Chi chuyển khoản sang tài khoản của các công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán, các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức tại Việt Nam được phép thực hiện nghiệp vụ nhận ủy thác đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật (áp dụng trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đầu tư gián tiếp tại Việt Nam dưới hình thức ủy thác đầu tư);
Chi thanh toán các khoản lỗ và các chi phí khác phát sinh khi thực hiện giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức theo quy định hiện hành của pháp luật về chứng khoán;
Các giao dịch chi hợp pháp khác liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam.
Thanh Hà
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/de-xuat-quy-dinh-mo-tai-khoan-bang-dong-viet-nam-de-thuc-hien-dau-tu-gian-tiep-nuoc-ngoai-post528148.html