Đề xuất quy định 'Ngày toàn dân tiết kiệm, chống lãng phí' là 31/5

Đề xuất quy định 'Ngày toàn dân tiết kiệm, chống lãng phí' là 31/5
10 giờ trướcBài gốc
Sáng 10/9, tại phiên họp thứ 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh Chương trình lập pháp năm 2025, trong đó có dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết dự án Luật dự kiến quy định 3 nội dung lớn.
Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh.
Nội dung lớn thứ nhất là bổ sung các quy định nâng cao tính chủ động, tự nguyện, tự giác trong công tác tiết kiệm, chống lãng phí để xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội.
Theo đó, dự án luật quy định cụ thể, đầy đủ hơn về quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và của cán bộ, công chức, viên chức trong công tác tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời có quy định về việc tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân; Bổ sung quy định vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí phải được đưa vào nội quy, quy chế làm việc của từng cơ quan, đơn vị, hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.
Dự án luật cũng bổ sung quy định về việc Thủ tướng ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí (thay thế cho các quy định về việc Thủ tướng ban hành Chương trình tổng thể về tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ theo giai đoạn và hàng năm).
Các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức chủ động đối chiếu với Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí và thực tiễn các hoạt động, nhiệm vụ, vấn đề phát sinh trong ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị mình để xây dựng Chương trình tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm của ngành, lĩnh vực, địa phương, đơn vị mình.
"Bổ sung quy định về "Ngày toàn dân tiết kiệm, chống lãng phí" là ngày 31/5 hàng năm, được lấy theo ngày bài viết "Thế nào là Kiệm" trong tác phẩm "Cần, kiệm, liêm, chính" của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo "Cứu quốc" với mục đích nâng cao nhận thức, ý thức của toàn xã hội đối với công tác tiết kiệm, chống lãng phí, tạo sức lan tỏa rộng khắp, hướng đến xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong xã hội", ông Nguyễn Hải Ninh nói.
Nội dung lớn thứ hai được Bộ trưởng Tư pháp đề cập là xây dựng cơ chế nhận diện hành vi gây lãng phí, hành vi vi phạm trong tổ chức thực hiện phòng, chống lãng phí và chế tài xử lý đối với các hành vi này.
Theo đó, cụ thể hóa khái niệm "tiết kiệm", "lãng phí" làm căn cứ định hướng xây dựng các quy định có liên quan tại Luật Tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là các quy định liên quan đến xác định "hành vi gây lãng phí".
Quy định cụ thể các nhóm "hành vi gây lãng phí", "hành vi vi phạm về tổ chức thực hiện phòng, chống lãng phí" đảm bảo bao quát các lĩnh vực cần tiết kiệm, chống lãng phí, thống nhất với khái niệm về lãng phí, đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể các hành vi gây lãng phí.
Quy định cụ thể về các chế tài xử lý hành vi gây lãng phí, hành vi vi phạm về tổ chức thực hiện phòng, chống lãng phí theo hướng: tùy thuộc vào mức độ của hành vi vi phạm mà tổ chức, cá nhân thực hiện mà có thể áp dụng các chế tài về xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự và xử lý kỷ luật theo pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức tương ứng.
Đồng thời bổ sung quy định giao Chính phủ quy định cụ thể việc áp dụng các hình thức ký luật trong trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu cơ quan tổ chức đơn vị có các "hành vi gây lãng phí" và "hành vi vi phạm trong tổ chức thực hiện phòng, chống lãng phí".
Chính phủ cũng sẽ đề xuất bổ sung các quy định về việc miễn trừ trách nhiệm trong một số trường hợp: Cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; rủi ro, mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo theo Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; các trường hợp miễn trừ trách nhiệm khác theo quy định pháp luật chuyên ngành.
Nội dung lớn thứ ba của dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) là hoàn thiện cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho giám sát, kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý mạnh, có tính răn đe cao đối với các hành vi lãng phí.
Ông Nguyễn Hải Ninh cho biết, sẽ quy định cụ thể trách nhiệm công khai đối với một số thông tin đối với công tác tiết kiệm, chống lãng phí bao gồm: Chương trình, kế hoạch tiết kiệm, chống lãng phí; báo cáo kết quả tiết kiệm, chống lãng phí; hành vi gây lãng phí và kết quả xử lý hành vi gây lãng phí.
"Đồng thời, bổ sung quy định công khai bắt buộc theo một trong ba hình thức là: thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng; hoặc đưa lên trang thông tin điện tử để các chủ thể có liên quan có thể dễ dàng tiếp cận thông tin, theo dõi và thực hiện quyền giám sát; hoặc cơ sở dữ liệu quốc gia về tiết kiệm, chống lãng phí", Bộ trưởng Tư pháp nói.
Theo ông Nguyễn Hải Ninh, việc công khai các tài liệu, thông tin khác thuộc lĩnh vực chuyên ngành không đưa vào Luật này mà thực hiện theo pháp luật chuyên ngành để đảm bảo đồng bộ, thống nhất, tránh trùng lặp.
Dự thảo Luật cũng tiếp tục quy định về kiểm tra về tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, bao gồm việc tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức; kiểm tra của cơ quan, tổ chức cấp trên với cơ quan, tổ chức cấp dưới và cá nhân có liên quan. Đồng thời, bổ sung quy định cụ thể, đầy đủ hơn về nội dung kiểm tra tiết kiệm, chống lãng phí.
Tiếp tục quy định về thanh tra tiết kiệm, chống lãng phí được thực hiện thông qua hoạt động thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành hoặc qua việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Ngoài ra, tiếp tục quy định về giám sát tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó quy định rõ các chủ thể có quyền giám sát về tiết kiệm, chống lãng phí và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc bảo đảm việc thực hiện quyền giám sát tiết kiệm, chống lãng phí của công dân, cơ quan, tổ chức.
"Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, xây dựng, Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) vào Chương trình lập pháp năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025)", Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh đề cập.
Anh Văn
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/de-xuat-quy-dinh-ngay-toan-dan-tiet-kiem-chong-lang-phi-la-31-5-ar953645.html