Đa số các đại biểu cơ bản thống nhất với những nội dung quy định trong dự thảo Luật, song đề nghị cần quy định cụ thể về tỷ lệ ngân sách nhà nước dành cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực nguyên tử, nhằm đảm bảo nguồn lực ổn định và lâu dài.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
* Xem xét chủ trương đầu tư dự án
Thảo luận tại tổ, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) quan tâm đến chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (Điều 4); đề nghị bổ sung thêm quy định, tùy thuộc vào từng thời kỳ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Quốc hội sẽ ban hành các cơ chế, chính sách đặc biệt về lựa chọn đối tác, thủ tục đầu tư, huy động nguồn vốn cho từng dự án nhà máy điện hạt nhân.
Liên quan đến chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị Cơ quan soạn thảo cần "xem xét cho phù hợp". Đại biểu cho biết, dự thảo đang quy định thẩm quyền quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân là Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đối chiếu với các luật có liên quan như: Điều 3, Điều 8, Điều 18 Luật Đầu tư công, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là Quốc hội. Tương tự, theo Điều 30 Luật Đầu tư, thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư là Quốc hội.
Do vậy, nếu trong trường họp Thủ tướng Chính phủ quyết định/chấp thuận chủ trương đầu tư, thì cần sửa các nội dung trong Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư để khi triển khai áp dụng không vướng mắc, đại biểu Lê Thị Thanh Lam nêu.
Về xây dựng nhà máy điện hạt nhân, để rút ngắn thủ tục đầu tư mà vẫn đảm bảo kiểm soát của cơ quan quản lý, đại biểu Lê Thị Thanh Lam cũng đề nghị: Xem xét không phê duyệt, mà chỉ thẩm định báo cáo phân tích an toàn cho giai đoạn xây dựng của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ hạt nhân. Quá trình thẩm định song song với quá trình thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng. Phạm vi thẩm định là các hạng mục công trình liên quan đến an toàn hạt nhân, trong Nghị định hướng dẫn cần quy định rõ các hạng mục công trình nào liên quan đến an toàn hạt nhân để có cơ sở thực hiện.
Đại biểu cũng kiến nghị không bổ sung nội dung có kết quả thẩm định kế hoạch bảo đảm an ninh. Nếu có, chỉ nên là ý kiến trong quá trình thẩm định thiết kế kỹ thuật của cơ quan chuyên môn về xây dựng. Còn đối với vận hành thử nhà máy điện hạt nhân, dự thảo Luật đang xây dựng theo hướng tổ chức vận hành phải lập chương trình vận hành thử, Báo cáo phân tích an toàn hạt nhân cho giai đoạn vận hành thử, nộp cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ hạt nhân thẩm định, phê duyệt và trước khi nạp nhiên liệu vào lò phản ứng phải có giấy phép vận hành thử về an toàn hạt nhân.
Bên cạnh đó, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị cần quy định cụ thể về tỷ lệ ngân sách nhà nước dành cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực nguyên tử, nhằm đảm bảo nguồn lực ổn định và lâu dài.
Diệp Trương/TTXVN