Đề xuất quy định về Quỹ nhà ở quốc gia

Đề xuất quy định về Quỹ nhà ở quốc gia
12 giờ trướcBài gốc
Bộ Xây dựng đề xuất quy định về Quỹ nhà ở quốc gia
Bộ Xây dựng cho biết, việc xây dựng, ban hành dự thảo Nghị định nhằm cụ thể hóa nội dung đã được quy định tại Nghị quyết số 201/2025/QH15 ngày 29/5/2025 của Quốc hội thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội và được Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết, làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện.
Bên cạnh đó, thúc đẩy sự phát triển nhà ở xã hội đồng thời có tác động kép: giúp người dân có thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận với nhà ở phù hợp, gắn với việc hoàn thành mục tiêu thực hiện Đề án: "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030", đồng thời cân đối cung - cầu, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa bất động sản, từ đó tác động hạ giá thành phân khúc nhà ở thương mại, giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh hơn. Đồng thời, tạo nguồn lực dài hạn, bền vững cho phát triển nhà ở.
Thành lập Quỹ nhà ở quốc gia
Theo dự thảo, Chính phủ thành lập Quỹ nhà ở trung ương, giao Bộ Xây dựng quản lý và là đại diện chủ sở hữu.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Quỹ nhà ở địa phương và là đại diện chủ sở hữu, giao cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý.
Cơ chế quản lý về tài chính của quỹ được thực hiện theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật tương ứng với mô hình hoạt động của quỹ.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thành lập mới hoặc tổ chức lại quỹ hiện có do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đang quản lý, hoạt động nhưng phải đảm bảo việc tổ chức và hoạt động theo đúng mục đích của quỹ nhà ở quốc gia tại Nghị quyết số 201/2025/QH15 và Nghị định này.
Địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân của Quỹ
Quỹ Nhà ở quốc gia là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được hoạt động theo mô hình doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Quỹ có tư cách pháp nhân, được bố trí ngân sách nhà nước để hoạt động, có con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Mục tiêu hoạt động của Quỹ
Đầu tư xây dựng, quản lý vận hành nhà ở xã hội, dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập, dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để cho thuê.
Tạo lập, tổ chức quản lý vận hành nhà ở xã hội thông qua hình thức tiếp nhận, chuyển đổi công năng nhà ở thuộc tài sản công do cơ quan trung ương đang quản lý theo quy định của pháp luật về nhà ở, nhà ở thuộc tài sản công do địa phương bàn giao để cho thuê; mua nhà ở xã hội do các chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê.
Tạo lập, tổ chức quản lý vận hành nhà ở thông qua hình thức mua nhà ở thương mại để cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập.
Nguyên tắc hoạt động của Quỹ
Hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi vốn chủ sở hữu của quỹ.
Chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về các hoạt động tài chính của quỹ của cơ quan quản lý nhà nước về tài chính, thanh tra, kiểm toán theo quy định của pháp luật.
Hoạt động công khai, minh bạch.
Thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội sử dụng nguồn vốn từ quỹ nhà ở quốc gia được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ tự nguyện, nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và nguồn huy động hợp pháp khác phải bảo đảm công khai, minh bạch, tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Không tiếp nhận nguồn hỗ trợ tự nguyện, nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước gây phương hại đến lợi ích quốc gia, vi phạm pháp luật về phòng và các hoạt động khác trái quy định pháp luật.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Quỹ
Dự thảo nêu rõ nhiệm vụ của Quỹ: Thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với mục tiêu hoạt động của Quỹ; tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước cấp và nguồn hợp pháp khác, theo quy định tại Nghị định này và các quy định có liên quan đến hoạt động của Quỹ; thực hiện chế độ báo cáo, quản lý tài chính, kế toán, kiểm toán và các quy định có liên quan đến hoạt động của Quỹ theo quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan; chịu sự thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; cung cấp số liệu, công bố công khai về tình hình tài chính theo quy định của pháp luật.
Quyền hạn của Quỹ: Tổ chức hoạt động theo quy định của Nghị định này, Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ và quy định của pháp luật có liên quan; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để thực hiện các hoạt động của Quỹ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật; thực hiện chế độ thu, chi tài chính theo quy định; được quyết định mức khen thưởng cho cán bộ, viên chức và người lao động một cách hợp lý, đúng quy định và phù hợp với tình hình hoạt động thực tế của Quỹ; đảm bảo sử dụng tài sản, nguồn vốn đúng mục đích.
Nguồn vốn hoạt động của Quỹ
Theo dự thảo, nguồn vốn hoạt động của quỹ nhà ở trung ương được hình thành từ vốn chủ sở hữu; vốn hình thành từ tiếp nhận nguồn hỗ trợ tự nguyện, nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước; các nguồn huy động hợp pháp khác, trong đó vốn chủ sở hữu bao gồm:
- Vốn điều lệ do ngân sách trung ương cấp lần đầu tối thiểu là 5.000 tỷ đồng ngay sau khi được thành lập và được nâng mức vốn điều lệ lên tối thiểu là 10.000 tỷ đồng trong 03 năm tiếp theo kể từ ngày được thành lập.
- Vốn từ số tiền tương đương với tiền bán nhà ở thuộc tài sản công do cơ quan trung ương đang quản lý theo quy định của pháp luật về nhà ở.
- Vốn bổ sung từ hoạt động của quỹ nhà ở trung ương.
- Vốn khác thuộc sở hữu của quỹ.
Dự thảo nêu rõ, nguồn vốn hoạt động của quỹ nhà ở địa phương được hình thành từ vốn chủ sở hữu; vốn hình thành từ tiếp nhận nguồn hỗ trợ tự nguyện, nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước; các nguồn huy động hợp pháp khác, trong đó vốn chủ sở hữu bao gồm:
a) Vốn điều lệ của quỹ nhà ở địa phương do ngân sách địa phương cấp và cấp bổ sung, sau khi được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua;
b) Vốn từ số tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội do chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở;
c) Vốn từ số tiền tương đương với tiền bán nhà ở thuộc tài sản công do địa phương đang quản lý theo quy định của pháp luật về nhà ở;
d) Vốn từ số tiền đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 12 của Nghị quyết số 201/2025/QH15;
đ) Vốn bổ sung từ hoạt động của quỹ nhà ở địa phương;
e) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tỷ lệ trích nộp số tiền vào quỹ nhà ở địa phương theo quy định tại điểm b và điểm d nêu trên.
Cơ cấu tổ chức của Quỹ
Theo dự thảo, cơ cấu tổ chức của Quỹ bao gồm các bộ phận theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Giám đốc Quỹ nhà ở trung ương do Bộ trưởng Bộ Xây dựng bổ nhiệm, miễn nhiệm.
Giám đốc Quỹ nhà ở địa phương do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm.
Giám đốc Quỹ là người đại diện theo quy định pháp luật của Quỹ; được ký hợp đồng theo quy định của pháp luật đối với một số công việc phục vụ hoạt động của quỹ, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Chế độ làm việc, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý Quỹ nhà ở trung ương được quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động Quỹ do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành.
Chế độ làm việc, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý Quỹ nhà ở địa phương được quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động Quỹ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.
Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Tuệ Văn
Nguồn Chính Phủ : https://baochinhphu.vn/de-xuat-quy-dinh-ve-quy-nha-o-quoc-gia-102250721152315679.htm