Bộ Công Thương siết chặt quản lý hoạt động của sàn thương mại điện tử xuyên biên giới
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thương mại điện tử. Theo đó, cơ quan quản lý đang đề xuất nhiều quy định chi tiết hoạt động của các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới tại thị trường Việt Nam, đảm bảo sự cạnh tranh công bằng với doanh nghiệp nội địa.
Cụ thể, tại dự thảo đề cương xây dựng Luật Thương mại điện tử đang được lấy ý kiến, Bộ Công Thương đề xuất thương nhân, tổ chức có hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam phải xin cấp phép với Bộ Công Thương.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuyên biên giới phải thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền là pháp nhân tại Việt Nam.
Cùng với đó sẽ có chế tài cụ thể nếu xảy ra vi phạm, các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ bị cấm bán hàng, cung cấp dịch vụ khi chưa hoàn thành thủ tục với cơ quan quản lý về thương mại điện tử. Ngoài ra, các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử (dịch vụ trung gian, logistics, thanh toán) cũng bị cấm hợp tác, cung cấp dịch vụ cho nền tảng chưa đáp ứng điều kiện hoạt động tại Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, luật mới sẽ quy định trách nhiệm của văn phòng đại diện hoặc pháp nhân được ủy quyền tại Việt Nam nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trong nước. Quy định mới cũng bổ sung trách nhiệm xác thực người bán nước ngoài và bồi thường người mua trước khi có vi phạm trên nền tảng.
Cơ quan soạn thảo cho rằng dù Nghị định 52 và 85 đã đưa ra những quy định cơ bản về điều kiện áp dụng cho các chủ thể cung cấp dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới tại thị trường Việt Nam nhưng vẫn chưa đủ mạnh mẽ và hiệu quả. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều nền tảng xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam mà chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý chính thức.
Hơn nữa, các quy định pháp lý đối với thương mại điện tử xuyên biên giới hiện tại nhìn chung còn "nhẹ nhàng" so với các quy định áp dụng cho các chủ thể có hoạt động đầu tư chính thức tại thị trường trong nước, gây ra sự thiếu công bằng trong môi trường cạnh tranh.
Tại Việt Nam cũng chưa có quy định phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan như hải quan, thuế, quản lý thị trường trong quá trình thực thi; chưa có quy định phối hợp trong quản lý và giám sát chất lượng hàng hóa, quản lý thanh toán số hay các hệ sinh thái hỗ trợ thương mại điện tử xuyên biên giới.
Với hơn 60% dân số tham gia và mức chi tiêu trung bình 400 USD/người/năm, thương mại điện tử tại Việt Nam đang bùng nổ. Chính vì vậy, việc sớm ban hành Luật Thương mại điện tử là vô cùng cấp thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp, đồng thời đưa Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành quốc gia kinh tế số.
Thực tế, trên thế giới nhiều nước đã xây dựng luật thương mại điện tử như Malaysia, Campuchia, Trung Quốc, Ireland... Một số nước không có luật thương mại điện tử nhưng có những văn bản điều chỉnh riêng cho lĩnh vực này như Ủy ban châu Âu. Một số xây dựng luật liên quan từ góc độ bảo vệ người dùng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ.
Linh Nhữ