Đề xuất sàn TMĐT xuyên biên giới phải lập đại diện ở Việt Nam

Đề xuất sàn TMĐT xuyên biên giới phải lập đại diện ở Việt Nam
4 giờ trướcBài gốc
Các sàn xuyên biên giới sẽ bị cấm bán hàng khi chưa hoàn thành thủ tục với cơ quan quản lý. Ảnh: ShutterStock.
Tại dự thảo đề cương xây dựng Luật Thương mại điện tử (TMĐT) đang được lấy ý kiến, Bộ Công Thương đề xuất thương nhân, tổ chức có hoạt động TMĐT xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam phải xin cấp phép với Bộ Công Thương.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuyên biên giới phải thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền là pháp nhân tại Việt Nam.
Các sàn TMĐT xuyên biên giới sẽ bị cấm bán hàng, cung cấp dịch vụ khi chưa hoàn thành thủ tục với cơ quan quản lý về TMĐT.
Các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ TMĐT (dịch vụ trung gian, logistics, thanh toán) cũng bị cấm hợp tác, cung cấp dịch vụ cho nền tảng chưa đáp ứng điều kiện hoạt động tại Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, luật mới sẽ quy định trách nhiệm của văn phòng đại diện hoặc pháp nhân được ủy quyền tại Việt Nam nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trong nước. Quy định mới cũng bổ sung trách nhiệm xác thực người bán nước ngoài và bồi thường người mua trước khi có vi phạm trên nền tảng.
Cơ quan soạn thảo cho rằng dù Nghị định 52 và 85 đã đưa ra những quy định cơ bản về điều kiện áp dụng cho các chủ thể cung cấp dịch vụ TMĐT xuyên biên giới tại thị trường Việt Nam nhưng vẫn chưa đủ mạnh mẽ và hiệu quả. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều nền tảng TMĐT xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam mà chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý chính thức.
Hơn nữa, các quy định pháp lý đối với TMĐT xuyên biên giới hiện tại nhìn chung còn "nhẹ nhàng" so với các quy định áp dụng cho các chủ thể có hoạt động đầu tư chính thức tại thị trường trong nước, gây ra sự thiếu công bằng trong môi trường cạnh tranh.
Ngoài ra, Việt Nam cũng chưa có quy định phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan như hải quan, thuế, quản lý thị trường trong quá trình thực thi; chưa có quy định phối hợp trong quản lý và giám sát chất lượng hàng hóa, quản lý thanh toán số hay các hệ sinh thái hỗ trợ TMĐT xuyên biên giới.
Theo Điều 67a của Nghị định 52/2013 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 85/2021), không phải tất cả sàn TMĐT xuyên biên giới đều thuộc phạm vi điều chỉnh mà chỉ những thương nhân, tổ chức có website đáp ứng các điều kiện nhất định, chẳng hạn như có tên miền Việt Nam; hoặc có ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt; hay có trên 100.000 lượt giao dịch từ Việt Nam trong một năm.
Các sàn xuyên biên giới có thể hoạt động mà không cần đăng ký nếu chưa đáp ứng các tiêu chí trên. Họ cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng theo quy định của nước sở tại và pháp luật quốc tế có liên quan.
Tháng 11/2024, sàn TMĐT xuyên biên giới Temu đã phải tạm dừng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam theo yêu cầu từ Bộ Công Thương do chưa hoàn tất quá trình đăng ký cung cấp dịch vụ.
Hiện các đơn hàng mua trên sàn Temu không được làm thủ tục pháp lý để thông quan vào Việt Nam. Chỉ khi nền tảng được Bộ Công Thương cấp phép, cơ quan hải quan mới thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua sàn này.
Sau gần 3 tháng kể từ ngày tạm dừng hoạt động tại Việt Nam, Temu vẫn chưa có động thái nào cho thấy đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo yêu cầu từ Việt Nam.
Minh Khánh
Nguồn Znews : https://znews.vn/de-xuat-san-tmdt-xuyen-bien-gioi-phai-lap-dai-dien-o-viet-nam-post1525855.html